Rác thải tràn lan, doanh nghiệp tái chế như sao buổi sớm

Các doanh nghiệp tái chế ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, ngược lại, họ còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề.

Rác thải tràn lan, doanh nghiệp tái chế như sao buổi sớm - 1

Nếu như trước đây, chúng ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải, thì hiện nay, việc sử dụng hàng hóa là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. 

Từ nhận định trên, có thể nói hoạt động tái chế được coi là một ngành công nghiệp và cũng là ngành kinh doanh, tạo hiệu quả kép cả về môi trường và kinh tế. Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội- Việt Nam hiện có 31.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở khu vực đô thị, 85% trong số đó được thu gom; 14.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở khu vực nông thôn, chỉ 40%-50% số đó được thu gom. Cả nước có 660 bãi chọn lấp chất thải, nhưng chỉ có 35 dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt đô thị, với tổng công suất 6.500 tấn/ngày.

Báo cáo chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của liên Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2015 Việt Nam có khoảng 43.596 tấn chất thải rắn, dự đoán con số sẽ tăng lên 67.630 tấn đến năm 2020 và 91.002 tấn đến năm 2025. Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, 100% lượng chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải công nghiệp và y tế sẽ được thu gom, trong đó 85% chất thải đô thị và 90% chất thải xây dựng phải được tái chế. 

Đối với lĩnh vực sản xuất giấy, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, gần 70% sản lượng giấy hiện nay được sản xuất từ nguyên liệu tái chế, nhu cầu giấy trong nước đạt gần 3 triệu tấn/năm, trong đó chỉ có khoảng 60% là sản xuất trong nước. Còn đối với lĩnh vực thép, năm 2010, các doanh nghiệp thép của Việt Nam sản xuất được 8,7 triệu tấn sản phẩm thép, đáp ứng 80% tổng nhu cầu cả nước. Tuy nhiên, lượng thép phế trong nước cho đến nay mới chỉ cung cấp được trung bình khoảng 30%, còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó, nhìn sang ngành nhựa, tổng công suất ước tính ngành công nghiệp nhựa Việt Nam khoảng 3,8 triệu tấn, nhưng nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đạt khoảng 30%, hàng năm cần từ 2-2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu, trong đó nhựa phế liệu đã chiếm trên 80%.

Những thống kê trên cho thấy tiềm năng rất lớn cho ngành công nghiệp tái chế với nhu cầu cho nguyên liệu phế thải gia tăng hàng năm từ 10%-20%. Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Trung Hải cho rằng chúng ta lại đang thiếu hụt nguồn lực và sự gắn kết với khoa học công nghệ trong việc tái chế chất thải rắn. 

"Các doanh nghiệp thiếu nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn, và khả năng làm chủ công nghệ mới. Việc phát triển công nghệ tái chế chưa được gắn với sự phát triển nghiên cứu khoa học và các thành tựu khoa học trong và ngoài nước, mà chủ yếu do các doanh nghiệp tự mày mò thực hiện. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác, không chỉ trong lĩnh vực tái chế," PGS.TS Huỳnh Trung Hải nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Trung Hải cho rằng, các doanh nghiệp tái chế ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, ngược lại, họ còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN