Người nuôi tôm như ngồi trên lửa

Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế áp cao nhất từ trước đến nay cho các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Đợt xem xét hành chính được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013 (POR8). Trong đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) chịu mức thuế 4,98%,  Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Trước thông tin này đã làm giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh.

Giá tôm lao dốc không phanh

Ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh, trong vòng một tuần qua, giá tôm thẻ chân trắng đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Mãi - ngụ huyện Cầu Ngang, sở hữu hơn 2 ha diện tích mặt nước nuôi tôm - cho biết: “Giữa tháng 9, giá tôm thẻ chân trắng tăng 2.000 đồng/kg (loại 60 con/kg) lên mức 140.000 đồng/kg. Nay thương lái kêu giá chỉ còn 120.000 đồng/kg, còn loại 100 con/kg giá cũng giảm từ 120.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg”. Theo tính toán của ông Mãi, với việc giá sụt như hiện nay, bán tôm ra, ông vẫn còn lời chút ít, đủ đầu tư cho vụ sau. Tuy nhiên, ông và nhiều người nuôi tôm khác trong vùng như đang ngồi trên đống lửa vì sợ giá tiếp tục trượt dài theo sự kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Người nuôi tôm như ngồi trên lửa - 1

Người nuôi tôm là nạn nhân của tranh chấp thương mại Ảnh: DUY NHÂN

Theo nông dân Lê Văn Sáng, ngụ huyện Cầu Ngang, giá tôm sú lúc giữa tháng 9 khoảng 250.000 đồng/kg loại 20 con/kg. Hiện nay, loại này giá chỉ còn 220.000- 240.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá giảm từ 200.000 đồng/kg còn khoảng 180.000 -185.000 đồng/kg. “Tính ra, với 1 tấn tôm sú chuẩn bị thu hoạch, bỗng dưng gia đình tôi mất trắng khoảng 20 triệu đồng. Lời thì vẫn còn chút ít nhưng tiếc lắm!” - ông Sáng buồn bã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến giữa tháng 9, toàn tỉnh thu hoạch gần 11.000 tấn tôm sú và 23.000 tấn tôm thẻ chân trắng. Với giá bán ở thời điểm đó, nông dân có lời nhiều. Còn với tình hình hiện nay, nhiều hộ thu hoạch tôm xong đang ngần ngại, chưa dám thả tôm mới nuôi.

Mức thuế phi lý

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản cho rằng việc DOC áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ khiến giá tôm nguyên liệu sụt giảm, người nuôi tôm trở thành nạn nhân chính của tranh chấp thương mại.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Stapimex - DN chịu mức thuế chống bán phá giá cao nhất (9,75%) - cho rằng việc áp thuế của DOC là không công bằng và bất hợp lý. “Ngay việc tính toán dựa trên nước thứ ba thay thế là Bangladesh rõ ràng không phù hợp vì giá đầu vào tôm nuôi ở nước này từ trước đến nay luôn cao hơn Việt Nam, kỹ thuật nuôi tôm của họ cũng hạn chế hơn nước ta nên đẩy giá thành sản xuất lên cao. Trong khi đó, ở nước ta, kỹ thuật nuôi, giống, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nên giá thành sản xuất thấp hơn. Chính vì vậy, giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ thấp hơn” - ông Phẩm phân tích.

Theo ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm thành công nhất tỉnh Bạc Liêu, đằng sau quyết định không công bằng của DOC, người bị thiệt hại nặng nhất chính là nông dân. “Chưa rõ quyết định của DOC sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến ngành xuất khẩu tôm của cả nước nhưng trước mắt thấy rõ thiệt hại của người nuôi. Bởi khi con tôm bị áp thuế cao, DN sợ thua lỗ nên sẽ ngay lập tức ép giá mua từ nông dân. Giá tôm trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg. Chúng tôi chỉ mong muốn nhà nước, các hiệp hội và DN có cách thức đấu tranh hợp lý với những quyết định của DOC để giữ vững sự ổn định cho ngành xuất khẩu tôm, từ đó cũng giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm” - ông Ngoãn kiến nghị.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng phương pháp tính giá mà DOC áp dụng lần này là thiếu tính khoa học cả về mặt thống kê lẫn thực tiễn. “Ðiều này thể hiện ngay trong kết quả DOC công bố khi mà mức thuế chống bán phá giá kỳ này tăng cao đột biến trong khi kỳ xem xét trước (POR7) là 0% đối với tất cả các DN. Rõ ràng, đây là sự áp đặt phi lý. Sự áp đặt này sẽ khiến giá tôm của Việt Nam bán vào thị trường Mỹ bị hạ thấp xuống, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của tất cả DN xuất khẩu tôm trong nước, thậm chí chịu thua lỗ nặng nề” - ông Hải nói. 

Đã gửi đơn kháng nghị

Theo VASEP, cơ quan này đã gửi đơn kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) về quyết định cuối cùng của DOC về việc áp mức thuế chống bán phá giá lên con tôm Việt Nam. Đơn kháng kiện tập trung vào phương pháp tính giá mà DOC áp dụng lần này thiếu cơ sở đối với việc áp thuế cho con tôm. Phương pháp thuế chống bán phá giá này thiếu tính khoa học về mặt thống kê và thực tiễn cũng đang gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng ở Luật Chống bán phá giá Mỹ.

C.Linh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Nhân - Nhật Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN