Nghịch lý: Xuất khẩu sầu riêng Việt hơn 2 tỉ USD, nhưng 70% người kinh doanh thua lỗ

Dù xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,1 tỉ USD nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.

Ngày 13-3, tại khai mạc triển lãm quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) lần thứ 6 năm 2024, ông Nguyễn Văn Mười, trưởng đại diện phía Nam Hội làm vườn Việt Nam, lí giải người kinh doanh sầu riêng thua lỗ nguyên nhân chính là do tranh mua tranh bán.

Doanh nghiệp Thái đã đầu tư kho ở Tây Nguyên thu mua sầu riêng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều khởi sắc.

Ngay những tháng đầu năm giá nông sản Việt Nam tăng cao, các mặt hàng chủ lực giá đạt mức “chưa từng có” trong lịch sử như cà phê hiện tại lên tới 95.000 đồng/kg, sầu riêng hơn 200.000 đồng/kg…

Theo ông Mười, khi nhu cầu tiêu dùng của các thị trường châu Âu, Mỹ có sự giảm sút, hiện nay các thành viên của Hội đang tiếp cận một số thị trường mới ở Đông Nam Á mà trước đây chưa quan tâm nhiều như Indonesia, Thái Lan...

Vì sao chọn Thái Lan để thâm nhập, ông Mười cho rằng Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có nhiều sản phẩm tương đồng. Như trồng sầu riêng, Thái Lan phát triển trước Việt Nam hàng chục năm.

Tuy nhiên, khi sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan không đối đầu mà quay lại hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Từ trước tới giờ Thái Lan xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sầu riêng Thái Lan chỉ có một mùa từ tháng 4-9 trong khi Việt Nam với lợi thế sầu riêng có quanh năm. Do đó, Thái Lan buộc phải mua hàng của chúng ta để đáp ứng đơn hàng cho thị trường Trung Quốc.

“Theo tôi biết các DN xuất khẩu của Thái Lan trước đây đã sang Việt Nam hợp tác với các nhà vườn, công ty trong nước để xuất khẩu sầu riêng trực tiếp từ Việt Nam sang Trung Quốc”-ông Mười nói.

Theo ông Mười, DN Thái Lan cũng là nhà thương mại họ hợp tác với DN Việt để bán sầu riêng qua Trung Quốc, xuất xứ vẫn là Việt Nam. Điều này là tốt vì họ giúp bán hàng cho nông dân.

Ngày 1 đến 5-2-2024 Hiệp hội sầu riêng Thái Lan mời chúng tôi dự triển lãm và một loạt các sự kiện liên quan đến ngành trái cây, sầu riêng của Thái Lan và Đông Nam Á, Trung Quốc.

Khi làm việc cùng một số DN Thái Lan, họ cho biết đã đầu tư kho ở Tây Nguyên thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc”-ông Mười kể.

Ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ thông tin. ẢNH: TÚ UYÊN

Ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ thông tin. ẢNH: TÚ UYÊN

Vì sao sầu riêng xuất khẩu tỉ USD, doanh nghiệp kinh doanh lỗ

Theo ông Mười, khi đến tỉnh Chonburi (Thái Lan) hỏi dò người nông dân Thái nhìn nhận gì về người trồng sầu riêng Việt Nam thì họ “nể” vì nông dân Việt Nam rất giỏi về kỹ thuật.

Tuy nhiên, muốn chất lượng sầu riêng đồng đều Việt Nam cần ban hành các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và tiến tới xây dựng các quy định pháp luật đủ mạnh để người dân tuân thủ thực hiện.

Sầu riêng là trái cây đặc thù, khi thu hoạch khó nhận biết trái đã đạt 7-8 tuổi. Do đó, khi giá sầu riêng tăng cao nếu người nông dân thu hoạch trái non bán ra thị trường cũng không ai biết.

Đây là lí do tại sao năm ngoái kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 2,1 tỉ USD, tăng đến 1,82 tỉ USD nhưng hơn 70% người kinh doanh sầu riêng thua lỗ.

Nguyên nhân chính là do việc tranh mua tranh bán, khi giá thị trường tăng cao, thay vì 7,5 tuổi rưỡi sầu riêng mới thu hoạch nhưng mới 6,5 tuổi người trồng cũng cắt bán luôn.

Đưa hàng sang Trung Quốc người mua phát hiện sầu riêng non, hàng không đạt chất lượng, DN vi phạm hợp đồng nên bị trả hàng, buộc phải bồi thường. Vì vậy, có những DN Việt Nam phải bồi thường lên đến hàng chục tỉ đồng.

Nếu nhà nước chưa có các quy định chặt chẽ như Thái Lan thì việc này sẽ tái diễn.

Thái Lan những năm đầu cũng giống Việt Nam nhưng hiện tại qua thời gian họ rút kinh nghiệm và xây dựng quy định để kiểm soát chất lượng, hạn chế các vi phạm.

Chẳng hạn, Thái Lan đã xây dựng luật riêng quản lý sầu riêng. Ngoài ra còn có luật bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, Thái Lan quy định nếu người nông dân, người làm thương mại cố tình bán sầu riêng non thì bị quy tội lừa gạt người tiêu dùng, sẽ phạt rất nặng hoặc phạt tù. Do đó, người nông dân, DN ý thức được trách nhiệm của họ không dám vi phạm.

Đồng thời tránh việc thu hoạch trái non, họ thành lập các đơn vị để hỗ trợ người nông dân kiểm định chất lượng trước khi thu hoạch.

Ngoài tính tuổi sầu riêng, người trồng mang sầu riêng tới điểm kiểm tra, nếu đảm bảo chất lượng sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giấy này theo trái sầu riêng ra đến thị trường.

Vì vậy, về quản lý nhà nước chúng ta cần học hỏi bài học từ Thái Lan.

Diện tích sản xuất sầu riêng của Việt Nam 135.000 hecta, trong đó Đắk Lắk có diện tích lớn nhất khoảng 32.000 ha, tiếp đến là Tiền Giang hơn 20.000 hecta, Lâm Đồng gần 20.000ha, Đồng Nai khoảng 13.000ha…

Sầu riêng Việt Nam có từ tháng 4-11 chính vụ và từ tháng 12-3 là nghịch vụ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người bán hàng “khóc ròng” khi phát hiện mình bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN