Nấm Việt đọ nấm Trung Quốc
Dù Việt Nam đã trồng được rất nhiều loại nấm, chất lượng bảo đảm nhưng trên thị trường nội địa, nấm Trung Quốc vẫn lấn sân.
Nấm tươi ngày càng được dùng phổ biến trong chế biến thức ăn chay và các loại lẩu. Sau hàng loạt thông tin thực phẩm Trung Quốc (TQ) có chất độc hại, người tiêu dùng gần như tẩy chay hàng TQ, trong đó có nấm. Để bán được hàng, người bán giới thiệu là sản phẩm của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…
Đánh tráo xuất xứ
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy phần lớn mặt hàng nấm không có bao bì, nhãn mác, địa chỉ nhà sản xuất hoặc bao bì rất sơ sài, ghi toàn chữ TQ. Để trấn an người tiêu dùng, tiểu thương khẳng định 100% là nấm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Đài Loan, Hồng Kông…, hoàn toàn không có hàng TQ.
Tại các cửa hàng, siêu thị, nấm đóng gói trong những vỉ nhựa, thông tin về sản phẩm cũng khá sơ sài. Một số sản phẩm trên bao bì ghi xuất xứ trong nước hoặc Hàn Quốc, một số ít ghi xuất xứ TQ. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hầu như không có nấm từ Hàn Quốc, Đài Loan mà chủ yếu là hàng TQ; người bán đánh tráo nguồn gốc xuất xứ cho dễ bán.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nấm cho biết giá bán lẻ các loại nấm trên thị trường khoảng 40.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán sỉ nấm TQ rất thấp, chẳng hạn nấm trắng chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Nấm linh chi tươi (màu trắng) còn được quảng cáo là dược liệu nhưng thật ra chỉ là loại nấm ăn thông thường, cùng họ với nấm bào ngư. Không chỉ giá rẻ, nấm TQ còn được người bán ưa chuộng vì ít hư hao, có thể để 3-6 tháng vẫn không bị dập, úng hay ngả màu (trong khi nấm trồng trong nước chỉ để 5-7 ngày đã hư thối, đổi màu và rỉ nước).
Hầu hết các loại nấm tươi bán trên thị trường là hàng Trung Quốc
Nấm Việt khó cạnh tranh
Tại TPHCM, có 10 doanh nghiệp sản xuất nấm với hàng chục chủng loại nấm. Theo bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Nấm Việt, Việt Nam đã trồng được rất nhiều loại nấm, từ bào ngư trắng, bào ngư xám, bào ngư Nhật, nấm trà cách tân, nấm mỡ, nấm đông cô, kim châm…
Trong đó, có nhiều loại “không đụng hàng” với nấm TQ như nấm bào ngư đuôi phụng (ăn giống như mề gà), nấm hoa hồng, hoàng kim, thanh ngọc (hoặc ngọc thạch)… Sản phẩm nấm trong nước được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cho từng loại sản phẩm. Sản phẩm tiêu thụ trên thị trường có thương hiệu, nhà sản xuất rõ ràng.
Ông Võ Ngọc Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sinh học Trường Xuân, cho biết để sản xuất nấm sạch không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, đến 30 - 40 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, thiết bị công nghệ, giống… Tuy nhiên, sản phẩm bán ra thị trường không cạnh tranh lại hàng TQ do sản phẩm không giữ được lâu, mẫu mã và màu sắc không bắt mắt bằng. Kênh phân phối siêu thị cũng không mặn mà với nấm trong nước nên một số cơ sở nấm đã phải bỏ nghề.
Nhận diện nấm Trung Quốc Với những loại nấm phổ biến (nấm trắng, đông cô, kim châm) rất khó phân biệt đâu là hàng TQ, đâu là hàng Việt Nam. Nếu để 2 sản phẩm cùng loại ở gần nhau, nấm TQ có kích cỡ lớn hơn, nhìn tươi ngon hơn. Mặc dù vậy, người tiêu dùng có thể nhận diện nấm TQ thông qua mùi vị. Nấm sản xuất trong nước không bị xử lý qua hóa chất bảo quản nên mỗi loại nấm có mùi đặc trưng riêng; nấm TQ có chất bảo quản nên chỉ có một mùi và mùi này cũng không giống mùi nấm. |