Mỹ tăng thuế chống phá giá cá tra: VN sẽ kiện

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định mức thuế chống bán phá giá cá tra mà Bộ Thương mại Mỹ vừa áp là hết sức vô lý và bất công và sẽ khởi kiện lên tòa án quốc tế.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định mức thuế chống bán phá giá cá tra mà Bộ Thương mại Mỹ vừa áp cho các doanh nghiệp Việt Nam (NTNN số 65/2013 thông tin) là hết sức vô lý và bất công và sẽ khởi kiện lên tòa án quốc tế...

Theo kết quả của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) thuế chống bán phá giá phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (VN) vào Mỹ giai đoạn từ 1.8.2010 đến 31.7.2011, các doanh nghiệp phải chịu một mức thuế CBPG cao gấp 25 - 45 lần so với kỳ POR7 một năm trước đó.

Mức thuế bất hợp lý

Sở dĩ có kết quả này là do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của VN từ Bangladesh (đã 8 năm liên tiếp) thành Indonesia (do Mỹ cho rằng VN không phải nền kinh tế thị trường - PV), dẫn đến mức thuế CBPG trong quyết định cuối cùng tăng cao.

Theo đó, mức thuế của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Việt An từ 0 và 0,03USD/kg của kỳ POR7 đã tăng lên 0,19 và 1,34USD/kg trong POR8, tăng gấp 45 lần. 13 doanh nghiệp bị đơn tự nguyện chịu thuế 0,77 USD/kg, tăng 25,6 lần so với POR7. Ngoài ra, 3 bị đơn mới trong đợt xem xét lần này cũng có mức thuế rất cao, từ 1,37 - 3,87USD/kg.

Mỹ tăng thuế chống phá giá cá tra: VN sẽ kiện - 1
VN sẽ kiện lên tòa án quốc tế vụ Mỹ tăng thuế chống phá giá cá tra

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP đã chỉ ra rằng, trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra VN, vì Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh chủ yếu từ VN, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới...

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương nhấn mạnh: “Cá tra ở Indonesia nuôi nhỏ lẻ, hàng năm sản xuất chỉ được khoảng 50.000 tấn, trong khi VN tới 1.200.000 - 1.400.000 tấn/năm. Do sản xuất nhỏ lẻ nên giá thành của Indonesia cao hơn của VN, công lao động... cũng cao hơn”.

Mang tính trừng phạt!

Với những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng kết quả POR8 mang tính trừng phạt hơn là công bằng. Bởi quyết định cuối cùng này của DOC đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội Các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) muốn đánh vào các doanh nghiệp lớn của VN để giành lại thị phần. Bởi 10 năm qua, xuất khẩu cá tra, basa của VN vào thị trường Mỹ đã liên tục tăng trưởng.

Đến nay, Mỹ đã là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của VN với kim ngạch đạt 358 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra VN năm 2012. Trong khi đó, diện tích nuôi cá da trơn ở Mỹ đã giảm một nửa, từ khoảng 67.000ha mặt nước năm 2003 xuống còn hơn 33.000ha hiện nay. “Công ty Vĩnh Hoàn 3 năm liên tiếp có mức thuế CBPG cá tra bằng 0.

Nếu lần POR8 này được kết quả bằng 0 nữa thì Vĩnh Hoàn sẽ chính thức được rút khỏi vụ kiện chống bán phá giá, theo quy định của Mỹ. Thế nhưng có vẻ phía Mỹ không muốn có tiền lệ có lợi này cho các doanh nghiệp VN” - ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty Agifish phân tích.

Ông Lê Trường Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Docimexco (Đồng Tháp), công ty mẹ của Docifish - đơn vị chịu mức thuế CBPG tới 3,87 USD/kg, cho biết công ty vừa mới xuất khẩu thử nghiệm vào Mỹ mà phải chịu mức thuế cao như vậy thì không có cơ hội để cạnh tranh: “Chúng tôi chắc phải dẹp luôn thị trường này và chuyển hướng sang các thị trường khác”.

Ông Dương Ngọc Minh cho rằng quyết định của DOC không những gây khó khăn cho doanh nghiệp VN mà người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt hại nặng vì phải bỏ ra thêm nhiều tiền để mua cá tra. “Quyết định cuối cùng mang tính trừng phạt này của DOC khiến nhiều người nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét cũng như sự công tư của DOC. Nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt - Mỹ. Chúng tôi sẽ kiện lên tòa án thương mại quốc tế về kết quả này” - Tổng Thư ký Trương Đình Hòe khẳng định.

Giá cá nguyên liệu sẽ không bị ảnh hưởng

Theo ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP trong gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thì có 8 doanh nghiệp không xuất bán vào Mỹ trong giai đoạn POR8 này nên họ vẫn có thuế suất thấp của kỳ POR7 trước đó, tức từ 0 - 0,03 USD/kg. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Agifish, Thiên Mã, Thuận An... “Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội cho 8 doanh nghiệp này tăng lợi nhuận nhờ có mức giá bán cao hơn vào Mỹ.

Giá cá tra nguyên liệu thu mua trong nước theo đó sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí tăng hơn ở 8 doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng giá bán vào Mỹ để bù đắp mức thuế này chứ không có việc sẽ hạ giá thu mua nguyên liệu trong nước bởi nguyên liệu đang thiếu trầm trọng, không đủ cho xuất khẩu” - ông Minh phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN