Loạn giá đèn năng lượng mặt trời

Nhiều sản phẩm đèn năng lượng mặt trời được rao bán trên thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều so với mức của một số công ty uy tín công bố.

Giá điện tăng cao, đèn năng lượng mặt trời được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, việc giá thành các loại đèn chênh lệch quá nhiều khiến khách mua hàng băn khoăn.

Mỗi nơi một giá

Trên thị trường, nhiều loại đèn năng lượng mặt trời có mẫu mã, kích thước, công suất khác nhau, mỗi nơi một giá. Một số cửa hàng bán mẫu đèn 100W với giá 500.000 đồng; 200W là 600.000 đồng, 300W với 800.000 đồng.

Trong khi đó, các sản phẩm có công suất tương tự do công ty uy tín phân phối, giá cao gấp đôi. Cụ thể, đèn 24W - 50W (Sumo Solar phân phối) giá 600.000 - 900.000 đồng, 100W (Givasolar phân phối) từ 1 - 2 triệu đồng. Các mẫu trên 200W, giá 1,5 triệu đồng trở lên.

 Một mẫu đèn năng lượng mặt trời rao bán trên mạng xã hội giá chưa tới 120.000 đồng. 

 Một mẫu đèn năng lượng mặt trời rao bán trên mạng xã hội giá chưa tới 120.000 đồng. 

Trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, giá của các loại đèn này còn rẻ hơn. Cụ thể, mẫu đèn 100W Maito được rao bán 250.000 đồng/bộ, đèn Asaki 500W còn 322.000 đồng/bộ, đèn Solar 3000W chỉ 479.000 đồng/bộ...

Các sản phẩm này được quảng cáo “siêu sáng”, có tuổi thọ lên đến 80.000 giờ, thời gian chiếu sáng liên tục đến 10 tiếng; kháng nước, chống va đập, sử dụng tốt dưới mọi điều kiện thời tiết, lắp đặt dễ dàng, an toàn khi sử dụng…

Không ít khách hàng, sau khi mua đèn năng lượng mặt trời trên mạng xã hội, than vãn về độ bền của sản phẩm. Anh Trần Phúc Thọ ở quận Phú Nhuận, TP HCM, chia sẻ, sau 1 tuần sử dụng đèn năng lượng mặt trời mua trên mạng, anh quyết định tháo bỏ, không sử dụng, vì ánh sáng yếu, không đủ chiếu cho khu vực sân.

“Đèn tôi mua trên mạng chỉ sáng được 2 - 3 tiếng, sau đó rất mờ, chưa tới 11 giờ đêm là đèn tắt. Trong khi đó, họ quảng cáo đèn có thể sáng cả đêm”, anh Thọ nói.

Tương tự, anh Nguyễn Bá Lộc ở quận 3, TP HCM cũng không hài lòng khi mua đèn năng lượng mặt trời qua mạng. “Tấm pin năng lượng mặt trời không đúng như hình quảng cáo. Họ giới thiệu pin có kích thước 35 cm nhưng thực tế chưa được 20 cm. Sau khoảng 1 tuần, pin đã hỏng, không thể dùng được”, anh Lộc chia sẻ.

Cẩn trọng sản phẩm giá rẻ

Anh Bùi Tấn Quang, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị điện tại quận 8, TP HCM, cho hay, có rất nhiều thương hiệu cung cấp đèn năng lượng mặt trời. Thương hiệu nào cũng quảng cáo bán hàng chất lượng. Nhưng khi được hỏi có giấy tờ hay thông tin chứng minh sản phẩm uy tín, chất lượng, nhiều đơn vị lại tìm cách thoái thác.

Ngoài ra, rất nhiều thương hiệu giảm giá sốc 50%, thậm chí 70% - 80%. Nhưng đây chỉ là giảm giá ảo, tiểu xảo đánh vào tâm lý ham mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng.

“Một số công ty muốn tiết kiệm chi phí, đạt lợi nhuận cao, đã mua các loại pin thải của nước ngoài để tái chế, sau đó bán với giá rất rẻ. Nhiều đơn vị bán đèn năng lượng mặt trời chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng nhưng lại quảng cáo có nhiều tính năng, thời gian chiếu sáng lên tới 8 - 10 tiếng. Điều này không thể có”, anh Quang cho hay.

Việc dùng pin thải giá rẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo anh Quang, các tấm pin được lắp ráp từ tế bào quang điện thải loại sẽ nhanh lão hóa, giảm hiệu suất tạo ra dòng điện. Do các tế bào quang điện được ghép nối tiếp, hỏng một tế bào sẽ hỏng cả tấm pin. Các tấm pin hỏng sẽ gây ô nhiễm khi thải ra môi trường.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định mua đèn năng lượng mặt trời. 

Người tiêu dùng nên cẩn trọng và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định mua đèn năng lượng mặt trời. 

Anh Nguyễn Văn Đông, chuyên gia về điện mặt trời, cho biết thêm, pin là yếu tố quan trọng trên các loại đèn năng lượng. Chất lượng pin sẽ ảnh hưởng thời gian chiếu sáng của đèn vào ban đêm. Đối với đèn năng lượng mặt trời dân dụng, bộ lưu điện thường là pin Li-ion với dung lượng 2.000 đến 10.000 mAh.

“Pin là bộ phận dễ xuống cấp nhất. Ngoài thời gian pin chiếu sáng thấp, xuống cấp nhanh, người dùng có thể gặp phải nguy cơ cháy nổ, nếu sản phẩm không đạt chất lượng”, anh Đông nói.

Để tránh bị sập bẫy “đèn năng lượng mặt trời giá rẻ”, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ trước khi mua. Đầu tiên dựa vào vẻ bề ngoài. Người tiêu dùng nên quan sát thiết kế của đèn, kiểm tra thực tế. Quan trọng nhất là tấm pin năng lượng, gồm bộ phận kính cường lực, khung nhôm, lớp màng trên, tế bào quang điện, tấm lót, lớp màng dưới, hộp đấu nối được lắp ráp chặt chẽ với nhau. Trong đó, hiệu suất tấm pin phụ thuộc tế bào quang điện.

Các loại đèn năng lượng mặt trời phải có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, những loại thiết bị năng lượng mặt trời chính hãng có chế độ bảo hành rất dài nên khi tìm mua, sản phẩm không bảo hành hay thời gian bảo hành ngắn, người tiêu dùng nên cân nhắc.

Trong mọi trường hợp mua đồ điện tử nói chung và đèn năng lượng mặt trời nói riêng, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có thương hiệu trên thị trường hoặc của hãng có đại diện, đại lý tại Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại ớt này luôn có giá bán rất cao, có thời điểm giá ớt lên đến 450.000 đồng/kg mà vẫn “cháy” hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Bảo ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN