Lạm phát 6% chưa thể coi là thấp!

CPI giảm có nghĩa là mục tiêu kiềm chế lạm phát được đặt ra ngay từ đầu năm có phần khả thi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính trung bình năm tháng đầu năm thì mức lạm phát vẫn đang ở khoảng 6% và con số này không phải là thấp. Như vậy, chưa thể vội mừng khi nguy cơ quay lại lạm phát vẫn còn rất cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích năm 2012, chỉ số CPI kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 liên tục tăng thấp, thậm chí tháng 6 và tháng 7 đạt mức âm. Chỉ đến tháng 8, tháng 9 mới tăng cao nhưng đến những tháng cuối năm thì mức tăng thấp trở lại. Vì vậy, năm nay diễn biến chỉ số CPI có thể tương tự như năm trước.

Nhiều người cũng cho rằng chỉ số CPI đã phản ánh một phần do nền kinh tế đang gặp khó khăn, trong đó đặc biệt là xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng thắt chặt lại.

Và khi nền kinh tế gặp khó khăn về tiêu thụ thì người ta thường đặt ra vấn đề kích cầu. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ở Việt Nam hiện nay vấn đề kích cầu cần được cân nhắc rất kỹ, không thể cứ kích cầu bằng cách “ném ra” một khoản tiền. Nói cách khác, kích cầu là việc cần thiết nhưng phải lựa chọn biện pháp làm sao vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ngăn lạm phát quay trở lại.

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế từng nhận định cần có kích cầu nhưng kích cầu chỉ là biện pháp ngắn hạn. Để giải pháp kích cầu có hiệu quả thì cần thực hiện đúng lúc, trúng mục đích và đặc biệt là vừa đủ. Trong đó, yếu tố “vừa đủ” trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay rất cần được quan tâm. Vì nếu gói kích cầu lớn quá sẽ tạo ra tác động kéo dài khiến nền kinh tế đã hồi phục mà vẫn trong trạng thái tiếp tục được kích thích, từ đó dẫn tới kinh tế mở rộng quá mức, lạm phát tăng lên.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN