“Khi mua sữa, nhớ lấy hóa đơn”

Sản phẩm sữa bột “xách tay” theo lon, thậm chí là sữa đóng theo bao 50kg tuồn về Việt Nam khá lớn, chất lượng mù mờ. Ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khuyến nghị: khi mua sữa phải lấy hóa đơn phòng khi có tranh chấp, các cơ quan có cơ sở xử lý.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Thị trường sữa: chất lượng và giá cả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26/4, vấn đề sữa được mổ xẻ khá thẳng thắn.

Người dân phải tự bảo vệ mình.

Hiện tại trên các diễn đàn hoặc các sạp tạp hóa đang bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn. Những nhãn sữa xách tay này đương nhiên không qua kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng được bày bán công khai và ngày càng gia tăng.

Thừa nhận thực trạng trên, Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường - Đỗ Thanh Lam cho biết: Tất cả các loại sữa khi đi vào thị trường Việt Nam phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đối với sữa xách tay, do không đi theo quy trình thông thường nên các cơ quan quản lý không thể kiểm tra về chất lượng.

“Khi mua sữa, nhớ lấy hóa đơn” - 1

"Khi mua sữa, người dân nhớ lấy hóa đơn"

“Không loại trừ trong đó có cả sữa nhập lậu. Các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng hay sữa quá hạn sử dụng được tẩy xóa bán ra thị trường kiếm lời”, ông Lam nói.

Nguyên nhân sự tràn ngập sữa xách tay được vị này đưa ra là do mặt hàng này quá “lời” nên các đối tượng kinh doanh bất chấp sức khỏe trẻ em có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có một thực tế chúng ta nhập sữa đa phần là của các nước phát triển có công nghệ và cách quản lý chất lượng sữa tốt nên tâm lý “sính” sữa ngoại ngày càng lan nhanh.

“Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý”, ông Lam khuyến cáo.

Né tránh câu hỏi của phóng viên về hiện tượng sữa xách tay tràn ngập thị trường có hay không một phần lỗi của lực lượng Quản lý thị trường, vị đứng đầu cơ quan này cho biết là do phương thức thủ đoạn của người bán rất “tinh vi”.

Theo ý của Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường, không dễ để xử lý những đối tượng này bởi hàng hóa không được bày bán công khai. Thêm nữa, hóa đơn chứng từ được người bán hợp thức hóa bằng những chứng từ khác nên “khó kiểm tra”.

“Cơ quan Quản lý thị trường có mặt làm được, có mặt chưa làm được”, ông Lam nói.
Tuy nhiên, không như lời khẳng định của ông Lam, trên thực tế, không khó để tìm được cửa hàng hay các trang web rao bán công khai sản phẩm này.

“Bình chọn sữa như bình chọn bài hát Việt”?

Theo thống kê, trong 6 năm qua, các mặt hàng sữa đã tăng giá 30 lần. Từ đầu tháng 3 năm nay, các hãng sữa ngoại tăng giá khoảng 10-15%, sữa nội tăng 7-10%. Điều đáng nói là giá sữa tại Việt Nam chỉ tăng mà chưa khi nào giảm, dù đây là mặt hàng thuộc danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Chưa kể, giá sữa tại Việt Nam theo đánh giá luôn cao hơn gấp nhiều lần so với nước ngoài.

Mới đây, một lãnh đạo của Cục quản lý giá có nói “Do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá”. Điều này có nghĩa là trong khi chờ động thái xác minh tên gọi từ phía Bộ Y tế thì một số sản phẩm sữa đội lốt sản phẩm dinh dưỡng sẽ không được tự ý tăng giá. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, giá sữa vẫn ào ào.

Giải thích về vấn đề này, Phó Cục trưởng cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – Vũ Anh cho rằng, trên thị trường không phải tất cả doanh nghiệp đều lợi dụng tăng giá.

Theo ông Vũ Anh, trong chuỗi quản lý sản phẩm cần làm tốt đồng bộ các khâu. Các doanh nghiệp cố tình thay tên đổi nhãn sản phẩm thì cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương sẽ xử lý, trong đó có cả vấn đề về giá.

“Khi mua sữa, nhớ lấy hóa đơn” - 2

Theo một số doanh nghiệp, việc hạn chế quảng cáo có thể khiến giá sữa rẻ hơn (ảnh minh họa)

Các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do đẩy giá sữa lên cao là do chi phí dành cho quảng cáo quá lớn. Trong khi đó, theo Luật Quảng cáo, từ ngày 1/1/2013, các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ bị cấm quảng cáo.

Nói về việc này, ông Lê Hoàng – Phó trưởng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc cấm quảng cáo các mặt hàng sữa sẽ giúp giảm tác động tiêu cực khi nhiều bà mẹ không muốn nuôi con bằng sữa mẹ.

“Việc hạn chế quảng cáo có giảm giá sữa hay không thì chúng tôi cũng chưa chắc chắn”, ông Hoàng nói.

Đứng về phía doanh nghiệp, ông Hà Văn Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho biết: Giá sữa bao gồm chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo, nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm.

“Bình chọn sữa như bình chọn bài hát Việt” là một trong những giải pháp được ông Tuấn đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí quảng cáo để giá sữa ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN