Hàng ngàn vé máy bay bị trả lại

Dịp lễ là cơ hội làm ăn của các công ty du lịch do kỳ nghỉ lễ dài, thế nhưng năm nay nhiều công ty phải trả lại vé máy bay, trả phòng khách sạn, hủy tour và chấp nhận trả tiền phạt vài chục phần trăm tiền đặt cọc.

Ngoài sức mua thị trường yếu, lý do quan trọng là giá dịch vụ (phòng khách sạn, nhà hàng, vé tham quan, vận chuyển...) tăng mạnh đẩy giá tour tăng cao, du khách quay lưng.

Hàng ngàn vé máy bay trả lại

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA), kể sáng 25-4 nhiều người tham gia cuộc họp giữa Hiệp hội Du lịch TP.HCM và đại diện nhóm 19 công ty tham gia chương trình giảm giá vé máy bay của Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) rất ngạc nhiên khi hàng loạt công ty du lịch thông báo đã trả vé máy bay do không bán được tour. “Có công ty trả cả ngàn vé, nhiều công ty khác trả lại 60-100 vé. Lần đầu tiên, các công ty mong HTA có tiếng nói với VNA để có thể giảm phần nào hoặc nếu được thì không tính phần tiền phạt 30% tổng số tiền đặt cọc của các công ty du lịch” - bà Khánh cho hay.

Theo các công ty du lịch lữ hành, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay dù ngày nghỉ dài nhưng lượng khách không nhiều như mọi năm, đến những ngày cuối các tour đi du lịch bằng đường bộ vẫn còn nhiều chỗ trống. Trưởng phòng du lịch nội địa của một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho biết lượng khách đặt mua tour đi Phan Thiết của công ty đã không thể đạt mức kế hoạch dự định. Đến ngày 23-4, những công ty du lịch lớn tại TP.HCM chia sẻ chỉ mới đạt được khoảng 70% tổng số chỗ các tour, tăng trưởng chỉ bằng 10% năm trước.

Tour ngoài nước đắt hàng

Một chuyên viên của phòng phát triển bán văn phòng miền Nam của VNA cho hay năm ngoái mùa lễ này “làm bù đầu bù cổ” vì các công ty du lịch gọi điện thoại liên tục xin thêm chỗ, còn năm nay cũng bù đầu để giải quyết số vé các đường bay trong nước bị hoàn lại. Trong khi đó, khảo sát tại các công ty du lịch, các tour đi du lịch nước ngoài vẫn tăng trưởng tốt, lượng khách đông, thậm chí nhiều tour đi du lịch xa, nhiều tiền đã khóa sổ trước lễ từ một tháng rưỡi đến hai tháng.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, trưởng phòng truyền thông Công ty du lịch Vietravel, cho biết nếu như năm trước khách chọn tour giá trung bình, nay đã chuyển sang chọn tour giá thấp để tiết kiệm hơn.

Các công ty du lịch cho biết tour trong nước đi bằng máy bay lượng khách không nhiều do giá tour quá cao. Dù VNA giảm trung bình 40% giá vé nhưng do giá các loại dịch vụ: khách sạn, ăn uống ở các địa phương bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến giá tour buộc các công ty lữ hành phải trả lại vé máy bay và chấp nhận trả 30% tiền phạt.

Ông L., giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, cho biết chỉ riêng tour đi miền Trung, đơn vị này phải trả lại 600 vé máy bay, tour đi Hà Nội trả gần 300 vé và vài chục vé các chặng khác... do giá phòng khách sạn bị đẩy lên cao hơn 2-3 lần giá bình thường.

Trao đổi với PV qua điện thoại ngày 30-4, ông L. cho biết vợ chồng ông đang nghỉ tại một khách sạn ở Đà Nẵng với giá 1,4 triệu đồng/đêm trong khi bình thường giá phòng này chỉ 400.000-500.000 đồng/đêm. “Chỉ có một số ít phòng theo nhu cầu có giá tốt, còn lại đều phải trả giá rất cao, thậm chí phải đặt ít nhất hai đêm mới có phòng, nên chúng tôi đành phải hủy tour, mất tiền cọc” - ông L. chia sẻ.

Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết công ty ông phải trả 70 vé máy bay với lý do tương tự. Công ty mất thêm một số tiền cọc đã đặt ở Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, tuy nhiên đến trước lễ năm ngày phòng của các khách sạn này lại được rao rất nhiều trên mạng Internet với giá thấp hơn trước.

Hàng ngàn vé máy bay bị trả lại - 1

Nhiều người dân tự tổ chức các tour ngắn ngày thay vì mua tour đi xa qua các công ty du lịch

Tour nội địa mất cơ hội

Theo tính toán của các công ty lữ hành, với chương trình giảm giá của VNA, du khách mua tour du lịch nội địa có thể giảm được 30% giá tour bình thường, một cú hích thật sự cho du lịch nội địa. Nhưng ngay trong tháng đầu tiên triển khai chương trình giảm giá này, các công ty du lịch đã bị giội gáo nước lạnh.

Tại Đà Nẵng, khi cuộc thi pháo hoa còn bảy ngày nữa mới bắt đầu, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải nhờ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP này can thiệp để trả lại phòng khách sạn và vé xem pháo hoa do giá phòng lên quá cao, dịch vụ tăng. Số lượng đề nghị trả lại gần 1.400 phòng, chiếm 15% tổng lượng phòng khách sạn trên toàn TP. Bình quân một tour trọn gói ba ngày hai đêm đến Đà Nẵng vào thời điểm diễn ra pháo hoa khoảng 5-6 triệu đồng/người, cao hơn 30% so với năm ngoái và 15% so với tour đi Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Khánh cho hay HTA đã khảo sát ở các doanh nghiệp thành viên và ghi nhận lượng khách mua tour trong dịp lễ này giảm trung bình 20-30% so với dịp lễ năm ngoái. “Nếu tính cả tốc độ tăng trưởng trung bình du lịch nội địa khoảng 20% trong những năm qua thì lượng khách mua tour du lịch nội địa dịp lễ năm nay đã giảm 30-40%” - bà Khánh nói.

Theo ông Trần Văn Đông - giám đốc Công ty du lịch lữ hành Hương Biển (Phú Quốc), giá phòng khách sạn, khu nghỉ mát 3-4 sao chiếm 40-50% giá tour. Nếu giá bị đẩy lên thì “các công ty du lịch không còn cái gì để “ăn”, họ bỏ tour là phải”. Ông Trần Thế Dũng buồn bã chia sẻ: “Những nỗ lực giảm giá để kích cầu thị trường du lịch nội địa của VNA, các công ty lữ hành coi như đổ sông đổ biển bởi việc tăng giá vô tội vạ giá phòng, giá vé tham quan, nhà hàng... cứ đến hẹn lại lên mà các ngành chức năng không kiểm soát nổi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN