Hàng hiệu “gặp hạn” ở Trung Quốc

Các hãng đồ hiệu muốn dựa dẫm vào tăng trưởng doanh số ở Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một sự thật không mấy dễ chịu. Theo Reuters, suy giảm tăng trưởng nhu cầu hàng cao cấp tại thị trường này có khả năng kéo dài hơn sự giảm tốc GDP do Bắc Kinh đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng.

Hãng tin này nhận định, Bắc Kinh đang rất nhạy cảm với bất kỳ điều gì có thể dẫn tới những nghi ngờ về tham nhũng, nhất là sau vụ bê bối của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và vợ ông này là bà Cốc Khai Lai. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra nguyên tắc về “phong cách làm việc tiết kiệm” đối với công chức, có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. Nguyên tắc này không cho phép công chức dùng công quỹ cho các bữa tiệc tùng xa xỉ hoặc xe hơi hạng sang, không được nhận các mòn quà đắt tiền.

Tặng quà vốn được coi là một hành động thể hiện sự tôn kính trong văn hóa Trung Quốc, đồng thời đã tạo ra một lực cầu lớn tại thị trường hàng hiệu lớn nhất thế giới này. Việc các công chức nhận quà là rượu đắt tiền, trang sức, hay những bữa tiệc xa xỉ từ các doanh nghiệp không còn là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, sau một loạt vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận gần đây, bao gồm vụ đụng xe do chiếc xe Ferrari được cho là của con trai một quan chức cao cấp gây ra, hay vụ một quan chức chính phủ “khoe” những hình ảnh bộ sưu tập đồng hồ đắt tiền… gây bức xúc cho các cư dân mạng, Bắc Kinh càng đẩy mạnh chống tham nhũng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, cảnh sát nước này hiện đang học cách nhận diện các thương hiệu cao cấp nhằm hỗ trợ hoạt động phanh phui các vụ tham nhũng.

“Các sản phẩm cao cấp là rất đắt đỏ. Mức lương công chức khoảng 5.000 Nhân dân tệ, tương đương chưa đầy 800 USD, mỗi tháng là không đủ để mua. Bởi vậy, công chức dùng hàng hiệu cần phải đưa ra sự lý giải thuyết phục làm thế nào để họ mua được những thứ đó”, một bài trên báo China Daily viết hôm thứ Sáu tuần trước.

Các hãng đồ hiệu hiện đã đối mặt với một số khó khăn ở thị trường Trung Quốc, khi nền kinh tế của nước này giảm tốc, và người tiêu dùng giàu có chuyển sang thể hiện sự giàu có một cách kín đáo hơn chứ không phô trương như trước. Theo ông Rupert Hoogeweft, Chủ tịch của Hurun Report, nhà xuất bản có tạp chí ở Thượng Hải thực hiện danh sách tỷ phú của Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu vì kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Bởi thế, nỗ lực chống tham nhũng được đẩy mạnh của Bắc Kinh cho thấy, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc hồi phục vào cuối năm nay như nhiều kinh tế gia dự báo, thì nhu cầu đồ hiệu có thể sẽ không phục hồi ngay.

Hôm 11/9 vừa rồi, hãng đồ hiệu Anh quốc Burberry cảnh báo rằng, tăng trưởng doanh số của hãng này tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với dự báo. Tuyên bố này khiến các nhà đầu tư cổ phiếu đồ hiệu cao cấp lo ngại, đồng thời làm dấy lên những bi quan rằng, toàn bộ ngành đồ hiệu đang đối mặt nguy cơ sụt giảm. Kể từ khi Burberry đưa ra cảnh báo trên, cổ phiếu hãng đồ hiệu Prada của Italy niêm yết tại Hồng Kông đã giảm giá 7,5%.

Tại Hồng Kông, nơi được xem là “thánh địa” mua sắm của dân chơi hàng hiệu từ Trung Quốc đại lục, doanh thu của thị trường hàng hiệu trong tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 11% của tháng 6.

Kể từ khi Bắc Kinh công bố những biện pháp chống tham nhũng mới hồi đầu tháng 7 vừa qua, nhu cầu đối với những sản phẩm cao cấp thường được dùng là quà tặng như đồng hồ và rượu vang đã giảm đáng kể. Nhà phân phối rượu vang Bordeaux tại Hồng Kông đã chứng kiến mức giảm 25% về giá trị và 6% về số lượng.

Mặc dù vậy, chắc chắn là ở Trung Quốc vẫn còn có nhiều người sẵn sàng chi tiều cho đồ hiệu. Và Hồng Kông cùng “thủ phủ” bài bạc Macau vẫn sẽ là những thiên đường mua sắm của người Trung Quốc đại lục. Một phát ngôn viên của công ty sòng bạc do tỷ phú Steve Wynn điều hành ở Macau cho biết, doanh thu của các cửa hàng đồ hiệu Louis Vuitton, Piaget và Dior nằm trong các sòng bạc này vẫn tăng trưởng tốt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Huy (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN