“Giải cứu” nông dân trồng lúa

Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) hè thu càng sớm càng tốt để giữ giá lúa có lợi cho người dân.

Đó là kết luận đưa ra tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ lúa hè thu do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 21-6 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng cần có biện pháp tiêu thụ lúa hè thu càng sớm càng tốt để đảm bảo cuộc sống của người dân trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Giá lúa xuống thấp nhất trong 23 tháng

Giá thành lúa hè thu xấp xỉ 4.000 đồng/kg

Theo Cục Trồng trọt, giá lúa giảm mạnh khiến cuộc sống của người trồng lúa ngày càng khó khăn hơn khi giá thành sản xuất vụ hè thu bao giờ cũng cao hơn giá thành vụ đông xuân. Bộ Tài chính vừa cho biết giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay là 3.993 đồng/kg, tăng 636 đồng/kg (tương đương 19%) so với giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân.

Tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... diện tích thu hoạch lúa hè thu ngày càng tăng nhưng giá lúa lại đang giảm từng ngày do không có thương lái đến mua. Chị Nguyễn Thanh Hằng, một thương lái lúa tại Cái Bè (Tiền Giang), cho biết các nhà máy mua gạo cầm chừng và trả giá thấp nên thương lái không mặn mà mua lúa cho dân.

Ông Lê Văn Đời, phó giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, nói rằng diện tích lúa hè thu của tỉnh năm nay đạt 70.000ha và đang trong giai đoạn thu hoạch rộ nhưng vắng bóng thương lái. Theo đó, giá lúa giảm rất mạnh và hiện chỉ còn 3.400-3.600 đồng/kg (lúa tươi), lúa khô chỉ còn trên dưới 4.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 8-2010.

Tại Tiền Giang, nhiều người dân thu hoạch lúa xong cũng bán không được. Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết hiện lúa tươi đang được bán với giá 4.100-4.200 đồng/kg, còn lúa khô 4.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tháng 5-2012.

Theo Cục Trồng trọt, áp lực tiêu thụ lúa hè thu trong thời gian tới còn lớn hơn nữa do vụ này tập trung thu hoạch rộ vào tháng 7 và 8 với tổng diện tích 1,3 triệu ha, sản lượng trên 7 triệu tấn lúa, tương đương trên 2,7 triệu tấn gạo hàng hóa.

Áp lực giảm giá lúa càng tăng lên không chỉ bởi nguồn cung ngày càng lớn mà còn do thị trường xuất khẩu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết tính đến ngày 20-6, VN đã xuất khẩu trên 2,95 triệu tấn gạo trị giá 1,34 tỉ USD, giảm lần lượt 20,13% và 23,35% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp mua từ vụ đông xuân còn khá lớn trong khi vụ hè thu đang thu hoạch rộ càng khiến các doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ lúa gạo hàng hóa.Ông Bảy cũng cho biết lúa hè thu chủ yếu để làm gạo cấp thấp (25% tấm), nhưng thị trường gạo này của VN ngày càng thu hẹp do không thể cạnh tranh được với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Myanmar. Hiện nay tại thị trường châu Phi, các nhà xuất khẩu VN hầu như không thể ký được hợp đồng gạo 25% tấm.

“Giải cứu” nông dân trồng lúa - 1

Đưa gạo xuống tàu tại cảng Tân Thuận 2 (TP.HCM) để xuất sang Indonesia

Tạm trữ để giải cứu lúa hè thu

Ông Đỗ Văn Nam, cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết nhập khẩu gạo của thế giới trong năm 2012 chỉ tăng nhẹ 0,9% so với năm 2011 trong khi nhiều nước sản xuất được mùa. Hơn nữa, sự gia tăng tiêu thụ gạo trên thế giới lại tập trung vào chủng loại gạo cấp cao, trong khi lúa hè thu của VN tập trung vào lúa chất lượng thấp nên càng khó về đầu ra. Do đó, cần sớm có biện pháp tiêu thụ lúa hè thu trong thời gian tới.

Tại hội nghị, tất cả đại biểu đều cho rằng cần thiết phải có những biện pháp cấp bách để tiêu thụ lúa hè thu khi thời điểm thu hoạch rộ cận kề. Trong đó, biện pháp được đa số đại biểu thống nhất là tạm trữ như đã từng triển khai. TS Nguyễn An Tiêm, phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, cho biết với tình thế cấp bách hiện tại, chỉ có mua tạm trữ mới giảm áp lực tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân.

Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết Cục Trồng trọt sẽ báo cáo tình hình cho bộ trưởng Bộ NN&PTNT để có kiến nghị Chính phủ cho phép mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, thời gian tạm trữ ba tháng và giao cho các doanh nghiệp thuộc VFA triển khai thu mua. “Quan điểm của chúng tôi là triển khai mua tạm trữ càng sớm càng tốt vì tình hình rất không có lợi cho người trồng lúa” - ông Ngọc cho biết.

Theo ông Phạm Văn Bảy, nếu Chính phủ đồng ý, VFA sẽ triển khai sớm cho các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa hè thu. Đồng thời ông Bảy cho biết hiện VFA đang chủ động chỉ đạo các thành viên tích cực tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu gạo từ các thị trường truyền thống cũng như mở rộng ra các thị trường mới. “Chúng tôi đang điều hành chính sách xuất khẩu gạo linh hoạt, cố gắng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán được hàng càng sớm càng tốt” - ông Bảy nói.

Xem xét phương án hỗ trợ trực tiếp cho người dân tạm trữ lúa

Ngoài việc mua tạm trữ thông qua doanh nghiệp như các năm trước, theo ông Đỗ Văn Nam, cũng nên tính đến phương án tạm trữ lúa trực tiếp đến người dân. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền cho nông dân để họ mua lúa của chính mình, sau đó đem gửi tại kho của các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ chi tiền thuê kho, bảo quản cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng đây là một ý tưởng mới cần nghiên cứu để có cách triển khai hiệu quả nhưng chưa thể làm ngay, vì triển khai đến hàng triệu hộ trồng lúa không phải dễ dàng trong khi lúa hè thu đang thu hoạch rộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Mạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN