Giá thịt lợn tăng cao, có phải do xuất lậu sang Trung Quốc?

Bộ NN&PTNT vừa cảnh báo tình trạng xuất lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới, nhất là sang Trung Quốc để hưởng chênh giá.

Giá lợn hơi tăng tới 22% so với cuối năm ngoái

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá thịt lợn tăng cao ngưỡng 150-180 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do giá lợn hơi tăng một mạch từ dưới 60 nghìn đồng/kg lên đến 75 nghìn đồng/kg.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng 15-22% so với cuối năm 2021.

Giá thịt lợn bán lẻ ở chợ dân sinh đã tăng khoảng 20-50 nghìn đồng/kg, lên mức phổ biến 150-180 nghìn đồng/kg

Giá thịt lợn bán lẻ ở chợ dân sinh đã tăng khoảng 20-50 nghìn đồng/kg, lên mức phổ biến 150-180 nghìn đồng/kg

Nguyên nhân giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.

Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng từ 36-38%, là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi phải tăng cao hơn.

Bộ NN&PTNT dự báo, do nguồn cung thịt lợn thiếu cục bộ ở một số nơi nên dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao.

Có phải do xuất lậu sang Trung Quốc?

Tuy nhiên, một số thương lái và chuyên gia thị trường cho rằng, một phần nguyên nhân là do giá lợn hơi ở Trung Quốc, Thái Lan...đang ở cao, dẫn đến tình trạng vận chuyển, xuất lợn sang những thị trường này.

Về điều này, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ vừa có văn bản gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; UBND các tỉnh, thành phố về việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới.

Theo Bộ NN&PTNT, do sự chênh lệch về giá lợn, sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam qua biên giới phía Bắc.

Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng,… giữa các nước với Việt Nam.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Đồng thời, thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Tình trạng xuất lậu lợn qua biên giới vẫn luôn "nóng", vào những thời điểm giá Trung Quốc cao hơn Việt Nam

Tình trạng xuất lậu lợn qua biên giới vẫn luôn "nóng", vào những thời điểm giá Trung Quốc cao hơn Việt Nam

Còn các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép...

Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp, cần phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trái phép ra, vào Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ từng làm hàng rào ở Việt Nam, nước ngoài xem là ”dược vương”, trồng 4 tháng là có tiền

Những sản phẩm từ quả chanh leo giờ là đặc sản đắt khách, được ưa chuộng trên thị trường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Diệp ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN