Giá lợn hơi bất ngờ tăng mạnh, khâu phân phối đua nhau mua gom

Giá lợn hơi tăng hơn 10 nghìn đồng/kg trong tuần qua và dự báo tăng tiếp khi đang có dấu hiệu tăng mua dự trữ. Trong khi, người dân dừng bán...

Giá lợn hơi tăng hơn 10 nghìn đồng/kg

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá lợn hơi hôm 25/10 ở 3 miền đều có xu hướng tăng mạnh so với tuần trước.

Mức giá đã lên ngưỡng phổ biến là 45-52 nghìn đồng/kg so với ngưỡng 33-39 nghìn đồng/kg vào tuần trước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đi thị sát tại chuồng nuôi ở huyện Quốc Oai, Hà Nôi

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đi thị sát tại chuồng nuôi ở huyện Quốc Oai, Hà Nôi

Chia sẻ với PV, chủ một trung tâm chăn nuôi ở Quốc Oai, Hà Nội cho biết, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay đã đạt mức 48-52 nghìn đồng/kg tại nhiều tỉnh.

“Giá tiếp tục tăng, mỗi ngày lên vài giá. Tuy nhiên, đà tăng này chỉ ngắn hạn và dừng lại khi khâu phân phối trữ đủ lượng lợn để bán trong 1 tháng tới”, vị này nói.

Chị Hà, chủ một trang trại hàng nghìn con lợn ở Diễn Châu, Nghệ An cũng cho biết, giá lợn hơi hôm nay được thu mua ngưỡng 52 nghìn đồng/kg, tăng 13 nghìn đồng/kg so với tuần trước.

Đây cũng là mức giá được ghi nhận tại nhiều tỉnh miền Trung. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi ghi nhận phổ biến mức 43-47 nghìn đồng/kg. Tăng khoảng 10 nghìn đồng trong vài ngày qua.

Tăng mua dự trữ, giá có tăng tiếp?

Theo chị Hà, chỉ mới cách nhau 1 tuần nhưng cục diện thị trường lợn hơi hoàn toàn khác. Từ chỗ giá liên tiếp giảm mạnh và sức mua chậm, thì bất ngờ đã nhảy vọt từng ngày và thương lái đổ xô mua vào.

Nhiều thương lái trả chênh giá nhau để thu mua bằng được lợn non, khoảng vài tháng nữa mới xuất chuồng, bởi họ lo sợ dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát sẽ khiến giá tăng trong ngắn hạn, khi thời điểm cuối năm là dịp tiêu thụ thịt lợn tăng cao.

Tính toán mức giá hiện nay chỉ vừa hòa vốn, nên với đà tăng hiện nay, chị Hà đang ngừng bán ra mặc dù trong chuồng còn hơn 200 con lợn thương phẩm đã đủ tiêu chuẩn xuất bán.

“Đây là điều dễ thấy ở thị trường Việt Nam, thương lái không cần đánh giá cung – cầu, không cần tính đến rủi ro hay tính lâu dài, mà thường cứ thấy có lãi trước mắt là nhảy vào”, chị Hà nói và cho rằng, cục diện này đang thể hiện tính yếu kém nhất trong khâu phân phối của Việt Nam.

Chị Hà cho rằng, hiện nay, vấn đề cấp thiết nhất cần được quan tâm là ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi có và kiểm soát đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi mới có thể bình ổn thị trường.

Ngoài ra, cũng cần có chính sách vốn cho hộ chăn nuôi chuyển đổi chuỗi khép kín, nhằm tăng tính bền vững và nâng cao giá trị ngành chăn nuôi…

Ông Hồ Văn Liêm (Mê Linh, Hà Nội), chủ một lò mổ cho biết, giá lợn hơi sẽ còn tăng tiếp khi nhiều thương lái đang có dấu hiệu tăng mua dự trữ, kể cả các lò mổ cũng phải mua gom để mổ dần.

“Khi giá lên thường sẽ lên theo chuỗi ngày và lợn xuất chuồng cũng sẽ hiếm theo, nên để đảm bảo cung cấp đủ số lượng hàng ngày buộc lò mổ cũng phải tự đảm bảo nguồn cung”, ông Liêm nói.

Đánh giá về biến động giá lợn hơi thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu khi nhu cầu tiêu dùng giảm chỉ bằng 50-55% so với khi chưa có dịch là nguyên nhân khách quan, khiến giá cả lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát nên giá lợn hơi sẽ tăng lên trong những ngày tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Thoát đáy, tăng trở lại, liệu giá lợn hơi đã cắt đứt đà giảm?

Ngày 25/10, giá lợn hơi tiếp tục tăng, đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp hồi phục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Diệp ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN