Giá hàng hóa toàn cầu tụt dốc

Khủng hoảng nợ châu Âu đang đe dọa các nền kinh tế châu Á. Trước nguy cơ tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, giới đầu tư quốc tế đồng loạt tháo chạy khỏi thị trường hàng hóa.

Theo Hãng tin AFP, nguy cơ Hi Lạp rời khối đồng euro và khủng hoảng nợ Tây Ban Nha đã tiếp tục dìm giá đồng euro. Trong phiên giao dịch ngày 1-6, giá đồng euro sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng qua so với đồng USD và trong hơn 10 năm qua so với đồng yen Nhật. Hiện 1 euro đổi được 1,2345 USD hoặc 96,51 yen.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cảnh báo ECB đã không còn đủ sức kéo khối đồng euro ra khỏi bờ vực khủng hoảng. Ông Draghi nhấn mạnh cơ cấu của khối đồng euro đã trở nên “bất ổn”. Cao ủy kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn dự báo khối đồng euro sẽ “tan vỡ” nếu các nước thành viên không áp dụng các cơ chế chống khủng hoảng mạnh mẽ hơn.

Giá dầu thấp nhất trong 7 tháng

Hãng tin Bloomberg cho biết nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư chuyển sang các kênh an toàn như đồng USD, đồng đôla Úc, trái phiếu chính phủ Mỹ, Úc, Đức... Do đó, giá các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế đồng loạt sụt giảm nghiêm trọng trong những ngày qua.

Trong phiên giao dịch ngày 1-6, giá dầu thô giao tháng 7 trên thị trường New York (Mỹ) sụt 33 cent, xuống còn 86,2 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong vòng bảy tháng qua. Tính ra trong tháng 5, giá dầu giảm hơn 16%. Hồi đầu năm, giới chuyên gia năng lượng dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt kỷ lục 89 triệu thùng/ngày trong năm 2012. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu dầu ở Trung Quốc không tăng và đang giảm ở Mỹ, châu Âu do tình trạng kinh tế yếu kém.

Báo Huffington Post cho biết do giá dầu giảm, giá xăng bán lẻ tại Mỹ cũng giảm theo. Các chuyên gia dự báo đến đầu tháng 7, giá xăng bán lẻ tại Mỹ có thể xuống còn 3,5 USD/gallon (20.000 VND/lít). Trên sàn giao dịch New York, giá xăng giao tháng 6 giảm 1,7% xuống còn 2,85 USD/gallon. Giá khí đốt giao tháng 7 cũng giảm 2,7% xuống còn 2,418 USD/28,3m3.

Giá vàng và các kim loại quý cũng giảm mạnh. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng sụt thêm 0,3% xuống còn 1.557,54 USD/ounce. Tổng cộng trong tháng 5, giá vàng giảm tới 100 USD/ounce, tương đương 6%. Giá bạc cũng giảm 10,5% trong tháng, hiện dao động ở mức 27,75 USD/ounce. Giá đồng cũng giảm 12% trong tháng, xuống còn 3,365 USD/pound.

Giá các loại nông sản như đỗ tương, ngô, bột mì... cũng đồng loạt sụt giảm. “Khủng hoảng tài chính châu Âu sẽ còn phủ cái bóng u ám lên thị trường hàng hóa trong thời gian tới” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia David Meger, phó chủ tịch Hãng Vision Financial Group, khẳng định.

Giá hàng hóa toàn cầu tụt dốc - 1

Người Tây Ban Nha biểu tình ở Valencia để chống chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ - Ảnh: Reuters

Châu Á vật vã

Theo báo Wall Street Journal, khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến xuất khẩu của châu Á sang châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Hậu quả là tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á chậm lại đáng kể. Tại Ấn Độ, chính quyền thông báo GDP quý 1-2012 chỉ tăng 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 8% các năm qua. “Một khoảng cách đáng kinh ngạc” - chuyên gia kinh tế Leif Lybecker Eskesen của Ngân hàng HSBC ở Ấn Độ bình luận.

Dự báo GDP Trung Quốc, cỗ máy tăng trưởng của thế giới, sẽ chỉ chạm 7,9% trong năm 2012, thua xa mức 10% của các năm trước. Reuters dẫn lời nhà kinh tế Dariusz Kowalczyk thuộc Hãng Credit Agricole CIB ở Hong Kong dự báo tăng trưởng Trung Quốc trong quý 2-2012 sẽ chỉ khoảng 7,5%. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định tình hình kinh tế tồi tệ ở châu Âu đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Một số nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế dự báo mức tăng GDP Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới. Giới quan sát cho rằng có thể Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên hiện chính quyền ở các tỉnh của Trung Quốc đang ôm nợ lớn do vay và chi tiêu ồ ạt trong đợt kích thích kinh tế năm 2009.

Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc cho biết xuất khẩu tháng 5 bất ngờ giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Han Jin Hyun tuyên bố nhu cầu từ Trung Đông và Mỹ Latin không đủ để bù đắp sự sụt giảm ở châu Âu và Mỹ. Tại Úc, báo The Australian cho biết các công ty khai thác mỏ lớn đang thảo luận việc giảm đầu tư vào khai thác mỏ do nhu cầu thế giới sụt giảm.

Tại Đài Loan, các hãng sản xuất thiết bị điện tử cho biết hàng loạt hãng điện tử như Dell, Lenovo và Nokia đã thông báo giảm số lượng đặt hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN