Đường đi của hàng hiệu dỏm

Ngoài các loại hàng giả và hàng nhái được sản xuất từ Trung Quốc, hàng giả cao cấp còn được tuồn về qua con đường xách tay

Hiện nay, khoảng 70% thương hiệu nổi tiếng thế giới đã có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua các nhà phân phối. Trong số đó có một số do chính công ty con của chính hãng mở ra, một số khác kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu và độc quyền nhập khẩu, phân phối.

Những công ty này phải chịu trách nhiệm bảo đảm uy tín thương hiệu tại Việt Nam thông qua các quy định ngặt nghèo từ việc kinh doanh, tỉ lệ sale off (giảm giá) cho đến nguồn hàng nhập về… Dẫu vậy, trong thực tế hàng giả, hàng nhái vẫn có thể xâm nhập.

Vào bằng cửa sau

Các thương hiệu nổi tiếng hiện đã có mặt chính thức tại Việt Nam phải kể đến: Hermes, Kenzo, Korloff, Bally, Burberry, Salvatore Ferragamo, Chanel, Versace, BVLGARI, Banana Republic, Calvin Klein, Mango He, Zegna, Tommy, Christian Louboutin, Karen Millen, Pedro, Jimmy Choo, Marc Jacob, Balenciaga, Pinko, Tara Jarmon, Armani, trang sức Swarovski, Gucci, Dolce & Gabbana, Roberto Cavalli, Moschino…

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết với hệ thống cửa hàng của những nhà phân phối chính thức thì hàng hóa bắt buộc phải là hàng thật 100%, được bày bán ở những nơi uy tín, sang trọng. Khi bán hàng cho khách đều có xuất hóa đơn, chứng từ cũng như cung cấp các thông tin liên quan đến việc khẳng định và bảo đảm với người tiêu dùng đây là hàng thật. Đặc biệt, một số hãng chỉ cho phép các công ty nhượng quyền thương mại hoặc do chính công ty con bán hàng…

Đường đi của hàng hiệu dỏm - 1

Túi xách, ví da giả hiệu bán tại Saigon Square (quận 1- TPHCM). 

Tuy vậy, một số người am hiểu về thị trường hàng hiệu tại Việt Nam nhận xét: Do hàng hiệu cao cấp thường có giá rất cao trong khi hàng fake 1 (hàng nhái loại 1) cũng khá tốt lại có giá rẻ hơn nhiều đang tràn lan trên thị trường nên đã dẫn đến tình trạng cấu kết, tuồn hàng fake 1 vào cửa hàng chính hãng. Vì vậy, không ít khách hàng khi mua hàng hiệu ngay trong những cửa hàng chính thức nhưng vẫn nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái. Thực hư của hiện tượng này vẫn chưa được làm sáng tỏ vì người tiêu dùng chưa đi đến cùng của sự thật, còn người bán thì không dễ gì “vạch áo cho người xem lưng”...

Một người am hiểu thị trường hàng hiệu tại TPHCM cho rằng việc trà trộn hàng giả vào hàng thật ở những cửa hàng nổi tiếng nếu có là do có sự cấu kết giữa nhân viên, chủ cửa hàng để trục lợi cá nhân. Khi làm điều này, họ không những lừa người tiêu dùng mà còn qua mặt luôn chính hãng.

Ẩn số hàng xách tay


Đối với hàng hiệu xách tay, thông thường được mang về từ chính quốc gia sở hữu thương hiệu, trong đó hàng xách tay từ Mỹ, châu Âu, Nhật… vẫn được ưa chuộng nhất trên thị trường hiện nay.

So với hàng hiệu cao cấp nhập chính thức thường giá rất cao (do phải đóng nhiều loại thuế), nhiều người tiêu dùng thích “săn” hàng xách tay vì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, hàng xách tay thường không được kiểm soát từ gốc cũng như không có hóa đơn chứng từ khi mua nên đa phần người mua chỉ đặt niềm tin vào người bán. Đó cũng là lý do khiến hàng xách tay rất dễ bị trà trộn hàng nhái, hàng giả.

Cách đây không lâu, một người đẹp khi ra nước ngoài đã mặc bộ đồ hàng hiệu mua xách tay tại Việt Nam. Khi đi qua cửa kiểm soát của một trung tâm thương mại thì bất ngờ máy an ninh của cửa hàng phát tín hiệu báo động. Lúc này, cô mới biết bộ đồ cô mua không được bán chính thức (có thể là hàng “chôm”) nên chưa được xóa mã từ do nhà sản xuất cài đặt trong sản phẩm (hầu hết các loại hàng hiệu nổi tiếng khi mang ra khỏi hệ thống cửa hàng chính thức của nhà sản xuất mà chưa trả tiền thì vẫn bị hệ thống an ninh của hãng kiểm soát)...

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng hiệu tại TPHCM, không phải tất cả hàng hiệu không có giấy chứng nhận đều là hàng giả. Bởi ngoài hàng nhập chính thức còn có không ít hàng hóa được nhập về qua đường cảng biển bằng cách lách luật, lậu thuế.

Một người am hiểu các sản phẩm hàng hiệu còn lưu ý không phải tất cả hàng hiệu đều được sản xuất từ quốc gia chính hãng. Hiện khá nhiều thương hiệu đã gia công sản xuất tại Việt Nam cũng như Trung Quốc. “Ta có thể gặp áo Lacoste “made in China”, quần Jean Just Cavalli hay áo CK China… bán trong Parkson, Vincom… là bình thường. Vấn đề là doanh nghiệp phải chứng minh được sự hợp pháp của nguồn hàng” - vị này nói.

“Hàng hiệu” bị khiếu nại

Ngay khi thông tin cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa nhập về cửa hàng Gucci - Milano (88 Đồng Khởi, quận 1 - TPHCM), chị V. (ngụ quận 1) đã mang đôi giày Gucci mua vài tháng trước đã bị lem màu đến khiếu nại. V. cho biết chị là khách VIP, thường mua hàng ở đây.

Trước đó, có những loại hàng thời trang chị mua dùng cả 10 năm vẫn không hư, còn đôi giày đế thấp này dù mới mua với giá gần 9 triệu đồng (đã giảm khoảng 30%) và không thường xuyên sử dụng nhưng vẫn bị phai màu, lem nhem. Khi chị đến khiếu nại, một nhân viên ở đây đã lớn tiếng cho rằng: “Chị là khách VIP chị phải biết giày da trúng nước thì phải ra màu nhuộm chứ”.

V. còn cho biết khi chị truy tìm code của đôi giày trên mạng thì thấy xuất hiện tiếng Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN