“Đúng ra giá xăng còn tăng cao hơn”

Bắt đầu từ 18h chiều 28/8, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước bắt đầu áp dụng giá mới cho các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước sau khi nhận được văn bản hướng dẫn cùng ngày của Bộ Tài chính. Theo đó, giá bán lẻ xăng tăng thêm 650 đồng/lít, dầu diesel tăng 300 đồng/lít, dầu hỏa tăng 450 đồng/lít, dầu mazut giữ nguyên giá hiện hành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong đợt tăng giá lần này, nếu tính theo nguyên tắc bám sát giá thị trường thế giới thì đúng ra giá xăng phải tăng tới 1.482 đồng/lít.

Bởi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 29/7 đến 27/8) tiếp tục tăng so với bình quân 30 ngày trước đó, trong đó mặt hàng xăng tăng 13,24%, dầu diesel tăng 8,66%, dầu hoả tăng 9,59%, dầu madut tăng 8,01%.

Với mức tăng trên, giá cơ sở được tính theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì mặt hàng xăng là 24.482 đồng/lít, dầu diesel là 22.497 đồng/lít, dầu hỏa 22.538 đồng/lít và mazut 19.354 đồng/kg.

Như vậy, so với mức giá bán lẻ trước 18h ngày 28/8, giá cơ sở tăng 1.482 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và 947 đồng, 1.088 đồng và 704 đồng tương ứng với các mặt hàng dầu.

“Tuy nhiên, để góp phần kiềm chế giá bán không tăng quá cao, thực hiện nhiều mục tiêu khác và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thì doanh nghiệp chỉ được phép tăng dao động trong khoảng 700 đổng/lít/xăngvà mặt hàng dầu là 400 đồng, tức bằng 50% so với mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành”, Cục trưởng Thỏa nói.

Trong trường hợp này, theo lời ông Thỏa, ba “nhà” đã cùng chia sẻ lợi ích. Cụ thể, về phía Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá tính cho lượng xăng dầu bán ra với mức tăng thêm 200 đồng/lít thành 500 đồng/lít so với trước đây là 300 đồng/lít và các loại dầu là 300 đồng/lít so với trước là 0 đồng.

“Về phía doanh nghiệp, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg trong công thức tính giá cơ sở của doanh nghiệp”, ông Thỏa cho hay.

Cũng theo ông Thỏa, trong thời gian qua do nguồn cung của thế giới bị hạn chế nên các nhà xuất khẩu nước ngoài ép các doanh nghiệp Việt Nam tăng phụ phí thị trường lên 3,5 - 4 USD/tấn, thậm chí có doanh nghiệp bị ép tăng đến 6 USD/tấn, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải tính theo quy định của Bộ Tài chính chỉ là 2,5 USD/tấn.

“Phần giá còn lại, chúng ta cần động viên, thuyết phục tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng. Khi giá thế giới tăng bất khả kháng, người tiêu dùng cũng nên chia sẻ ở mức độ nhất định, nhưng không phải chịu ở mức quá cao”, ông Thỏa nói với báo chí tại cuộc gặp gỡ về điều hành giá xăng dầu do Bộ Tài chính tổ chức chiều 28/8.

Với sự cộng hưởng từ Nhà nước và doanh nghiệp, giá cơ sở mặt hàng xăng chỉ còn ở mức 23.652 đồng/lít sau khi sử dụng quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp không tính lợi nhuận định mức thì chênh lệch giữa giá cơ sở với giá hiện hành là 652 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và mazut lần lượt là 317 đồng/lít, 458 đồng/lít và 74 đồng/lít.

Do vậy, các doanh nghiệp trong nước chỉ điều chỉnh giá xăng thêm 650 đồng/lít và mặt hàng dầu diesel 300 đồng/lít và dầu hỏa 450 đồng/lít nên giá bán xăng bán lẻ tới người tiêu dùng là 24.150 đồng/lít thay vì 24.482 đồng/lít.

Liên quan đến câu chuyện vì sao Nhà nước không giảm thuế để giảm áp lực tăng giá trong nước, ông Nguyễn Tiến Thỏa lý giải, không chỉ có báo chí mà một số doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét giảm thuế. “Hiện thuế suất thuế nhâp khẩu các mặt hàng xăng dầu được giữ như hiện hành hiện vẫn thấp hơn barem thuế quy định. Thuế suất thuế nhập khẩu xăng hiện là 12% trong khi quy định là là 20%, dầu diesel là 10% và mazut 12% còn quy định là 15%”.

“Ngoài ra, theo cam kết gia nhập WTO của nước ta, mức thuế nhập khẩu tối thiểu là 7%”, ông Thỏa bổ sung. “Đồng thời, cuối cùng là phải đảm bảo thu ngân sách để cân đối vĩ mô khi Chính phủ đã thực hiện hàng loạt biện pháp giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp”.

Đồng thời, trước thắc mắc của báo giới về việc Bộ Tài chính vẫn quy định mức trích quỹ bình ổn giá là 300 đồng/lít, kg như hiện hành, người đứng đầu Cục Quản lý giá cho hay mức trích quỹ này cho phép tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp, và bây giờ nếu không trích thì sau này sẽ không có nguồn để sử dụng.

“Nguồn lực quỹ đã sử dụng hết để bình ổn vào năm 2011 và đầu năm 2012, nên quỹ ở một số doanh nghiệp hiện nay vẫn đang âm. Do đó, chúng ta cần tiếp tục trích để bù đắp lại số âm này”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN