Độc đáo chợ quê lưu hành cùng lúc 3 loại tiền

Tại chợ Na Mèo, thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) người ta có thể sử dụng cùng lúc 3 loại tiền để mua hàng là Việt Nam đồng, Kíp Lào và Đô la Mỹ.

Chợ Na Mèo mỗi tuần chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng thứ bảy, là nơi mua bán hàng hóa của người dân hai nước Việt Nam, Lào. Chợ nằm trên lãnh thổ Việt Nam, cách cột mốc biên giới Việt Nam – Lào chừng 300 mét, cách trung tâm huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) khoảng 50 km và cách trung tâm tỉnh Hủa Phăn (Lào) chừng 80 km.

Độc đáo chợ quê lưu hành cùng lúc 3 loại tiền - 1
Cảnh mua bán tại chợ Na Mèo

Chợ quê… “quốc tế”

Nếu như ở một số chợ biên giới luôn tràn ngập các loại hàng hóa xa xỉ, đồ điện tử… thì chợ Na Mèo lại đúng nghĩa là một khu chợ quê vùng cao. Các loại hàng hóa tại chợ chủ yếu là nông sản, đặc sản trong vùng. Chợ không có các gian hàng, kệ hàng mà là một khu đất trống, trên có mái che mưa nắng. Trên nền chợ, ai có hàng gì thì đem bày bán tại các khu vực định sẵn. Chợ chia thành các khu hàng hóa riêng biệt như khu mua bán vải thổ cẩm, khu mua bán đồ ăn: măng rừng, chuột rừng, cá suối, khu mua bán giày dép, quần áo, xà phòng… Người dân Việt và người dân Lào cùng nhau bày bán hàng hóa ở khu chợ này.

Độc đáo chợ quê lưu hành cùng lúc 3 loại tiền - 2
Người dân Lào dùng tiền Kíp mua hàng tại chợ Na Mèo

Vì mỗi tuần chỉ diễn ra một phiên nên chợ Na Mèo thu hút đông đảo đồng bào vùng cao hai nước Việt Nam - Làọ. Đây là dịp để người dân đến chợ có cơ hội mua – bán, tích trữ hàng hóa mang về nhà dùng cho cả một tuần lễ. Chính vì lẽ đó, người dân miền xuôi cũng xem chợ Na Mèo là nơi kinh doanh những món hàng hóa miền đồng bằng, ven biển. Cùng với người Việt, người Lào cũng tham gia mua bán hàng hóa tại chợ Na Mèo.

Hàng hóa mà người Lào mang đến chợ chủ yếu là nông sản: Bí ngô, rau cải, sắn khô, cua, cá, lươn, ốc… Các mặt hàng khác sản xuất tại nước bạn mà người dân vẫn quen gọi là “xà phòng Lào”, “rượu Lào”, “ga trải giường Lào”, “thổ cẩm Lào”… cũng được bày bán la liệt tại chợ Na Mèo. Bán hàng hóa xong, người dân Lào lại mua: Giày dép, dầu ăn, quần áo, cá biển, muối ăn… mang về. Đặc biệt, dù không biết tiếng Lào người Việt vẫn có thể mua hàng hóa mà người dân Lào mang đến chợ bán. Ví dụ khi muốn mua một bánh “xà phòng Lào”, bạn cứ việc cầm hàng hóa trên tay, người bạn Lào sẽ ra dấu giá bán bằng các ngón tay. Nếu bạn mua hàng của người Lào rồi đưa dư số tiền mà họ muốn bán, người Lào sẵn sàng trả lại khoản tiền thừa.

Độc đáo chợ quê lưu hành cùng lúc 3 loại tiền - 3
Chợ phiên Na Mèo

Xăng, mặt hàng luôn ăn khách

Một thứ hàng hóa mà người Lào “ưa” mua tại Việt Nam nhất là xăng. Cây xăng cạnh cửa khẩu Na Mèo luôn tấp nập người dân Lào, hầu như ai đến chợ cũng mang theo một can nhựa khoảng 2 lít. Người dân Na Mèo cho chúng tôi biết giá xăng bên Lào đắt hơn nhiều so với giá xăng bán ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi tan chợ ra về, người Lào thường mua một ít xăng bên Việt Nam mang sang biên giới để dùng.

Tuy nhiên, không phải người dân Lào muốn mua bao nhiêu xăng đem qua biên giới cũng được, lực lượng biên phòng hai nước quản lý rất chặt chẽ và người dân Lào chỉ có thể mua xăng từ Việt Nam đúng theo các quy định của Nhà nước. Điều khá đặc biệt tại chợ Na Mèo là người tham gia phiên chợ này có thể sử dụng cùng lúc 3 loại tiền là Việt Nam đồng, Kíp Lào và Đô-la Mỹ. Mua bán hàng hóa bằng loại tiền nào cũng được chấp nhận.

Tỉ giá hối đoái giữa các loại tiền được người dân thỏa thuận với nhau. Nếu không bằng lòng với sự thỏa thuận khi mua bán, người ta có thể đổi tiền ở hàng chục điểm đổi ngoại tệ tư nhân bên ngoài cổng chợ. Sở dĩ người đến chợ đồng ý sử dụng cùng lúc 3 loại tiền trên vì chợ nằm sát biên giới, là nơi mua bán hàng hóa chung của người dân hai nước Việt - Lào. Chợ Na Mèo cũng là điểm dừng chân trên cung đường du lịch của du khách quốc tế. Chính vì vậy, Đô-la Mỹ cũng là loại tiền được lưu hành phổ biến tại đây.

Sáng thứ Bảy nào cũng vậy, chợ Na Mèo là sân khấu của đủ sắc thái ngôn ngữ, sàn diễn của đủ kiểu trang phục mà người người Kinh, Thái, Mông, người Lào, khách nước ngoài mang đến chợ. Phiên chợ Na Mèo thường kết thúc vào khoảng 11 giờ trưa và tái diễn sau một tuần.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Dũng (Giáo dục và thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN