Doanh nghiệp muốn “chết” cũng khó

Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đã nêu rõ: “Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCHC), xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp...”.

Vậy sau chục năm CCHC vừa qua, kết quả thực hiện có được như mong muốn? Để trả lời phần nào cho câu hỏi này, chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với người dân, doanh nhân và các cơ quan quản lý về một số lĩnh vực bức xúc hiện nay như đất đai, xây dựng, đăng ký, giải thể doanh nghiệp, hải quan... ở một số thành phố lớn.

Kinh tế khó khăn khiến nhiều DN lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, buộc phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, không phải cứ muốn “chết” là được.

Chi tiền để được “chết”

Anh Phúc là chủ của một Cty TNHH ở quận Tân Phú (TPHCM) chuyên về mặt hàng vật liệu xây dựng. Tình hình kinh tế khiến Cty của anh lâm vào khó khăn từ đầu năm ngoái, sau hơn một năm chịu đựng, anh cũng chịu không xiết, quyết định giải thể Cty.

Tuy nhiên, anh Phúc nói: “Thủ tục để ngừng hoạt động rắc rối vô cùng. Tôi lên xuống Chi cục Thuế hơn 2 tháng nay mà vẫn chưa xong việc”.

Thử tìm hiểu làm sao để “khai tử” DN khi nợ nần chồng chất, tôi đến Sở KHĐT TPHCM. Tại đây, nhân viên hướng dẫn trao cho tôi một mảnh giấy có địa chỉ website của sở để tự về tìm hiểu thủ tục. Tuy vậy, ra khỏi cổng cơ quan này, người ta dễ dàng tìm được sự trợ giúp của rất nhiều Cty chuyên làm dịch vụ giúp thành lập hoặc giải thể DN.

T - nhân viên của một Cty tại Q.1, chuyên nhận làm dịch vụ này - khuyên tôi nên làm thủ tục giải thể DN sẽ đỡ rắc rối hơn làm thủ tục phá sản. T ra giá 2,5 triệu đồng sẽ “bao” trọn gói trong việc “mai táng” DN và thời gian sẽ mất khoảng 1 tháng để giải thể DN. T cho biết Cty của anh có thể “lo” được việc dãn, giảm nợ thuế nếu DN vẫn chưa giải quyết được khoản nợ với cơ quan thuế.

Theo Luật DN, chủ DN buộc phải hoàn tất các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nếu muốn dừng hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, hầu hết các DN khi đã đến mức giải thể thì hầu như không còn khả năng chi trả những khoản nợ này nên cứ “âm thầm” ngừng hoạt động, “mất tích” trên thị trường. Theo một thống kê chưa đầy đủ từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho đến tháng 3.2012 đã có khoảng 1.200 DN tại TPHCM “mất tích” như vậy.

Có hai cách để chấm dứt hoạt động hợp pháp đối với một DN, đó là đăng ký giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Cả hai cách này đều khiến DN bị thu hồi con dấu, giấy đăng ký kinh doanh và buộc phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, tài sản. Muốn đăng ký phá sản, DN phải nộp hồ sơ ra toà, qua nhiều bước thủ tục rất rắc rối, thời gian kéo dài đến hàng năm. Vì vậy, cách giải thể DN được xem là chọn lựa tốt hơn khi một DN không thể tiếp tục hoạt động.

Một chủ DN trên địa bàn Q.1 vừa đăng ký giải thể cho biết khi tìm hiểu thủ tục để giải thể họ cũng vướng những thủ tục rắc rối nên buộc phải nhờ đến văn phòng luật trợ giúp. Dù DN này chỉ mới thành lập hơn 1 năm nay nên chưa có nhiều khoản nợ về thuế nhưng họ cũng phải chi 200 đôla để văn phòng luật trợ giúp họ trong các thủ tục pháp lý.

Doanh nghiệp muốn “chết” cũng khó - 1

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt - may có nguy cơ phá sản (ảnh minh họa)

Còn kẽ hở trong luật

Khi một DN muốn “chết” thì phải thông báo bằng văn bản đến hai cơ quan nhà nước là cơ quan thuế và sở KHĐT, các thông báo này phải kèm các khoản nợ mà DN chưa giải quyết được. Vì vậy, nhiều DN chỉ thông báo về các khoản nợ đối với các cơ quan nhà nước, giấu những khoản nợ còn lại với các chủ nợ cá nhân, lương của người lao động...

Luật sư Trần Quang Thắng - Giám đốc Cty luật Quốc Tế và Cộng Sự - cho biết, trong trường hợp này chỉ còn chờ vào việc “tự giác trả nợ của các DN” và điều này “không phù hợp với thực tiễn”.

“Nhiều DN khi làm thủ tục giải thể luôn cố gắng làm sao để “chết” một cách có lợi nhất, nghĩa là tránh phải trả các khoản nợ rồi âm thầm biến mất” - luật sư Thắng nói. Luật sư Thắng cho biết: “Văn phòng chúng tôi đã nhận nhiều hồ sơ yêu cầu kiện ra toà để đòi nợ nhưng khi tìm đến thì các DN nợ tiền đã giải thể, dọn đi nơi khác không biết đâu mà tìm”.

Theo luật sư Thắng, khi giải thể DN chỉ chịu trách nhiệm trả nợ bằng hoặc thấp hơn khoản vốn điều lệ của Cty mình. Do đó các chủ nợ sẽ phải chịu rủi ro bị giật nợ bởi khe hở luật pháp này. Đối với các DN đưa trường hợp của mình ra toà để tuyên bố phá sản sẽ không cần thanh toán các khoản nợ nếu chứng minh được trước toà họ không còn khả năng chi trả. “Dù vậy, thủ tục ra toà phá sản quá phức tạp nên chẳng có DN nào chọn cách này” - luật sư Thắng cho biết.

Kể từ khi ban hành Luật Phá sản 2004, toà án TPHCM chỉ thụ lý 22 hồ sơ xin phá sản DN, giải quyết được 2 hồ sơ còn 20 hồ sơ khác vẫn còn xem xét.

Cách giải quyết các khoản nợ là vậy nhưng trên thực tế, các chủ nợ cũng rất lo DN sẽ phá sản rồi “xù” nợ nên tìm mọi cách để buộc DN tiếp tục tồn tại kiểu “dở sống dở chết” cho đến khi thanh toán xong. Điều này góp phần làm rối rắm nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Một thống kê từ Bộ KHĐT cho biết, đến tháng 5.2012 cả nước có khoảng 85.800 DN không còn hoạt động nhưng chưa tiến hành giải thể.

Nhiều doanh nghiệp khi làm thủ tục giải thể luôn cố gắng làm sao để “chết” một cách có lợi nhất, nghĩa là tránh phải trả các khoản nợ rồi âm thầm biến mất.

Luật sư Trần Quang Thắng

Theo Luật DN, chủ DN buộc phải hoàn tất các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nếu muốn dừng hoạt động hợp pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN