Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật gặp khó

Sau gần 2 năm triển khai, đề án đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật tại Bình Định chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ngư dân không mấy mặn mà

Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật gặp khó - 1

Cá ngừ được đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản tại tỉnh Bình Định

Giữa năm 2014, đề án “Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi” (thường gọi là đề án “Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật”) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, bắt đầu triển khai tại Bình Định. Từ chỗ thí điểm cho 5 tàu cá đầu tiên ở huyện Hoài Nhơn, đến cuối năm 2015, JICA tiếp tục hỗ trợ 25 bộ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho 25 ngư dân tham gia đề án.

Tỉnh Bình Định cũng đã chi hàng tỉ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản.

Trong khuôn khổ đề án, Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Theo đó, Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd là đại diện của Bidifisco ở Nhật Bản để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại các trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của công ty tại Nhật Bản. Còn Bidifisco đảm nhiệm bao tiêu sản phẩm cho ngư dân đánh bắt cá theo công nghệ Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20%.

Thời gian qua, đã có hàng trăm con cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ mới được xuất sang bán đấu giá tại Nhật Bản. Trong đó, chuyến xuất khẩu cá ngừ đầu tiên vào đầu tháng 8-2014 với số lượng 10 con (tổng trọng lượng 448 kg), bán đấu giá tại chợ cá Trung tâm Bán đấu giá Osaka với giá bình quân 240.000 đồng/kg (gấp 3 lần giá thu mua tại Bình Định vào thời điểm đó).

Dù cá xuất khẩu sang Nhật Bản được bán với giá cao nhưng ngư dân không mấy mặn mà. Ông Trần Văn Tòa (ngụ xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn), một trong những chủ tàu tham gia đề án thí điểm, cho hay việc áp dụng kỹ thuật đánh bắt mới tuy phức tạp nhưng vẫn làm được. Cái khó là Bidifisco yêu cầu mỗi chuyến biển tối đa 15 ngày để bảo đảm chất lượng cá.

“Hiện chi phí cho tàu cá trong mỗi chuyến biển mất cả trăm triệu đồng, thời gian đi về đã mất 5 ngày đêm. Chuyến biển chỉ 15 ngày thì không thể khai thác được nhiều cá, thu không đủ bù chi” - ông Tòa tính toán. Hiện mỗi kg cá xuất khẩu được tỉnh hỗ trợ thêm 50.000 đồng và doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường 20% nhưng ngư dân vẫn than lỗ.

Không riêng gì ngư dân, doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu cũng kêu khó. Theo Bidifisco, dù vận chuyển bằng máy bay nhưng nếu tính từ lúc cá được chở vào bờ đến khi ra phiên chợ đấu giá bên Nhật mất 2 ngày nên chất lượng cá cũng giảm đáng kể, dẫn đến giá bán không cao. Trong khi đó, giá thu mua cùng chi phí vận chuyển đã lên 170.000 đồng/kg, nếu kết quả đấu giá tại Nhật Bản dưới 300.000 đồng/kg thì Bidifisco bị lỗ.

Ông Trần Kim Dương, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, thừa nhận yêu cầu thời gian đánh bắt như trên rất khó cho ngư dân. Nhưng để cá bảo đảm chất lượng thì không thể kéo dài hơn. Do đó, mỗi tổ, đội tàu của ngư dân cần thêm một tàu dịch vụ hậu cần để giúp ngư dân đưa hải sản ra chợ sớm hơn và giúp các tàu khác tiết kiệm nhiên liệu.

Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nếu Bình Định không tổ chức bài bản khâu thu mua, ngư dân đánh bắt kiểu manh mún như hiện nay thì đề án này có nguy cơ “sập tiệm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN