Đạm Ninh Bình xin cứu, Bộ Tài chính nói lời ăn lỗ chịu

Sự kiện: Ninh Bình

Với khoản nợ lên đến hơn 8.300 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015 và khoản lỗ 2.700 tỉ đồng, UBND tỉnh Ninh Bình vừa kiến nghị lên Thủ tướng cho phép Đạm Ninh Bình được giãn nợ tối thiểu 5 năm. Trong khi đó, quan điểm của đại diện Bộ Tài chính là "lời ăn, lỗ chịu".

Đạm Ninh Bình xin cứu, Bộ Tài chính nói lời ăn lỗ chịu - 1

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỉ đồng. Ảnh minh họa

Lỗ và nợ lên đến 11.000 tỉ đồng

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo lên Thủ tướng về tình hình hoạt động kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình và xin giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho doanh nghiệp này do làm ăn thua lỗ.

Cụ thể, tỉnh Ninh Bình cho biết, Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD tại tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án lớn nhất của Vinachem và đơn vị cũng sở hữu 100% nhưng vốn tự có khi đó chỉ là 100 triệu USD, do vậy phần lớn vốn thực hiện là đi vay.

Với tham vọng tự chủ nguồn phân bón trong nước, Vinachem được Ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Tổng thầu của dự án là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc).

Nhà máy được vận hành chính thức vào năm 2012 và thua lỗ từ đó đến nay. Năm 2015, Tập đoàn Hoá chất đã phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỉ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỉ đồng lãi vay.

Cũng theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm 2015 của Đạm Ninh Bình đã vượt 8.300 tỉ đồng.

Về tình hình kinh doanh, dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty lỗ khoảng 592 tỉ đồng năm 2015.

6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ khoảng 457 tỉ đồng. Từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế 2.693 tỉ đồng.

“Điều này khiến tình hình tài chính rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn. 7 tháng đầu năm 2016 công ty phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày và duy trì ở phụ tải thấp, tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn, dự kiến lỗ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty”, báo cáo của tỉnh Ninh Bình cho biết.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép công ty được giãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm lỗ.

Tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị cho phép Đạm Ninh Bình được áp dụng chính sách trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư đối với các khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ theo nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ trong trường hợp tỷ giá có biến động.

Đồng thời, cho phép Đạm Ninh Bình áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong trong thời gian qua, và là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.

Bộ Tài chính: Lời ăn lỗ chịu!

Liên quan đến việc thoái vốn tại doanh nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả là Đạm Ninh Bình và Gang thép Thái Nguyên và việc cứu hay không cứu Đạm Ninh Bình, trong buổi gặp gỡ báo chí chiều tối ngày 14.9, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) bày tỏ quan điểm: đã kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu theo đúng cơ chế thị trường.

"Đã cổ phần hóa rồi thì phải hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Dự án có được ưu đãi không thì đã có ngay từ khi lập dự án tiền khả thi rồi. Khi đã vận hành rồi thì phải hiệu quả để có tiền trả cho người lao động. Khi xảy ra lỗ thì doanh nghiệp phải cơ cấu lại, nhà nước sẽ không bù lỗ", ông Tiến khẳng định.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, hiện Nhà nước chỉ ưu tiên cho dân, cho an sinh xã hội. Các vấn đề như tăng lương, bảo hiểm y tế... cũng còn rất khó khăn, còn rất nhiều thứ phải lo nên nếu bỏ tiền để lo cho các doanh nghiệp yếu kém thì không đúng.

"Đã làm ăn, kinh doanh sản xuất thì phải hiệu quả, còn không thì phải thoái vốn, phải nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác có khả năng làm ăn hiệu quả hơn", ông Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duyên Duyên (Một thế giới)
Ninh Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN