'Cầu cứu' Thủ tướng chống cá tầm lậu

Các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng về việc cần có giải pháp chống cá tầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trong văn bản trên, các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam cho biết, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc tái diễn ngang nhiên qua biên giới phía Bắc dưới nhiều hình thức. Sau đó, cá nhập lậu tuồn vào trong nước tiêu thụ. Đáng lưu ý là vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TPHCM.

Theo ông Lê Anh Đức - Tổng GĐ Cty CP Cá Tầm Việt Nam, mỗi ngày có 2-3 tấn cá tầm nhập lậu vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất và bán ra thị trường giá khoảng 120-130 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, giá cá tầm nuôi ở miền Bắc bán sỉ tại hồ đã tới 150-160 nghìn đồng/kg, nên không có chuyện vận chuyển bằng đường hàng không vào TPHCM và bán với giá thấp như trên. Ông Đức cho hay, giá cá tầm rẻ đã làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm trong nước, đe dọa sự tồn tại của các đơn vị sản xuất và nguy cơ hàng nghìn bà con nông dân bị mất việc làm, người tiêu dùng hoang mang vì không biết đâu là cá “xịn”, đâu là hàng lậu.

Trước thực trạng trên, đại điện các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp chống nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc, nhất là các đầu nậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Tăng cường các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu, cảng hàng không (nhất là cảng hàng không Nội Bài), cảng sông, biển để kiểm tra ngăn chặn loại cá tầm không rõ nguồn gốc...

Đáng lo ngại, hiện nay bắt đầu xuất hiện một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu cá tầm Trung Quốc, dùng các trại nuôi cá tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt Nam.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần chỉ đạo, yêu cầu đăng ký bắt buộc với các cơ sở nuôi cá tầm để tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc; đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay cho các đầu nậu hợp thức hóa cá tầm lậu nói trên.

Hiện cá tầm phát triển nhất ở các tỉnh Tây Nguyên. Cá nuôi trong nước có nguồn gốc rõ ràng, gần với điều kiện tự nhiên, nên chất lượng đảm bảo, không có dư lượng các chất kích thích tăng trưởng nhanh, độc hại như cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc.

Chiều 2/7, dưới sự chủ trì của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các ngành chức năng địa phương tiến hành họp bàn xem xét, giải quyết vụ bắt giữ hơn 4 tấn cá tầm nghi nhập lậu từ Trung Quốc. Trong khi đó, chủ hàng lại cho rằng, nguồn cá trên có xuất xứ trong nước và đang trên đường lưu thông, kinh doanh.

Nhóm PVTT

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN