1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí thì DN nào chịu nổi!

Tại hội thảo “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 13.11, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, sự chi phối của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Doanh nghiệp trong nước gặp khó 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn được bảo hộ và nhận đặc quyền. Do đó, DNNN không quan tâm nhiều đến hội nhập, vấn đề mà khối DNNN quan tâm là tiếp cận Nhật Bản, EU để có vốn ODA.

1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí thì DN nào chịu nổi! - 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bên cạnh đó, bà Chi Lan cho hay, DNNVV, thậm chí siêu nhỏ có mối lo trước mắt quá lớn, phải đối phó với các vấn đề môi trường kinh doanh và ám ảnh bởi số doanh nghiệp giải thể đang rất lớn.

Cũng tại hội thảo, ông Jonathan Dunn cho rằng, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Vị chuyên gia này đề xuất Việt Nam phải cải cách tài chính khi tham gia kinh tế toàn cầu. Ông nói thêm rằng, cải cách giáo dục để chuyển dịch lực lượng lao động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất cũng là điều Việt Nam cần quan tâm.

Một khó khăn không nhỏ được đề cập tại báo cáo chính là vấn đề tài chính. Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ADB nhận định, AEC sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối cơ sở hạ tầng và rào cản về pháp lý liên quan đến thương mại mậu biên, hỗ trợ tài chính cho các dự án này.

Vị chuyên gia cũng nói thêm, các doanh nghiệp tư nhân chưa được phát huy trong khi Nhà nước hiện nay rất cần DN tư nhân. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận rủi ro ở Việt Nam rất cao, thiếu sự bình đẳng và thách thức trong nhiều dự án.

“Việt Nam cần hài hòa hóa chính sách và khung pháp quy đồng thời tăng cường đối thoại với khu vực tư nhân”- ông Aaron Batten cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện, hàng rào thuế quan đối với các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giảm, nhưng đối với doanh nghiệp trong nước nhiều hàng rào lại được dựng lên. Đây là nghịch lý tồn tại lâu nay, cần phải xử lý.

“Hiện nay, thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê, cấp nào cũng đều có quyền gây khó cho doanh nghiệp. Thậm chí, thuế phí ở Việt Nam quá nhiều, chẳng hạn 1 quả trứng phải "cõng" 14 loại thuế, phí; 1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí. Thuế, phí như thế doanh nghiệp nào chịu nổi” – bà Lan nhấn mạnh.

Bà Phạm Chi Lan cho hay, tình trạng đó là rào cản cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân Việt Nam đang có chiều hướng tăng.

Cũng theo báo cáo về sự sẵn sàng của doanh nghiệp khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp Việt Nam còn bị động và mức độ sẵn sàng hội nhập AEC chưa cao. Biểu hiện là nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề chung của AEC còn thấp, chưa nhận rõ các cơ hội, thách thức và thiếu sự chuẩn bị cho hội nhập AEC.

Nguyên nhân được báo cáo chỉ ra rằng, do nhiều doanh nghiệp thụ động, có chênh lệch lớn giữa thông tin, tuyên truyền, tập huấn và việc tiếp nhận các thông tin này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang dốc sức vượt qua khó khăn hiện tại nên không chú trọng được nhiều vấn đề xung quanh, vai trò của các Hiệp hội chưa được phát huy đúng mức...

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Mặc dù sự sẵn sàng cho hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao nhưng Việt Nam đã thực hiện khá tốt các cam kết. Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần phải đổi mới tư duy khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), phải xem AEC là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, là cầu nối của tiến trình hội nhập, là cơ hội tập dượt để tiến tới những sân chơi lớn hơn với yêu cầu khắt khe hơn. AEC cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường tính độc lập, tự chủ thông qua việc đa dạng thị trường và đối tác. 

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Nhà nước cần dẫn dắt và tạo một cơ chế hội nhập hiệu quả. Phải phát huy và hoàn thiện cơ chế phối hợp của các cơ quan đầu mối về hội nhập hiện có, xây dựng một cơ chế phối hợp thông tin, phản hồi của doanh nghiệp về quá trình hội nhập. Bên cạnh đó là chú trọng đào tạo nhân lực, di chuyển lao động lành nghề trong ASEAN sau 2015…

Báo cáo cũng chỉ ra, về phía doanh nghiệp, các DN cần phải chủ động chuẩn bị cho hội nhập, định vị lại thị trường, biến cạnh tranh thành cơ hội. Song song với đó là tích cực tham gia mạng lưới sản xuất khu vực, chủ động tìm hiểu thông tin…

Ngoài ra, các Hiệp hội, cơ quan nghiên cứu đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ quá trình hội nhập. Phải cung cấp thông tin và ví dụ tốt nhất, kinh nghiệm tốt nhất, chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, xây dựng chuẩn mực kinh doanh…

Theo Toshiro Nishizawa, Giáo sư Chính sách công, Đại học Tokyo, để phát triển trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên chọn làm "con rùa" hơn là một "con thỏ" trong cuộc đua.

Theo vị GS này, những nước dựa vào sự phát triển kinh tế vững chắc trong khi tập trung tích lũy vốn có thể không tăng trưởng nhanh, nhưng ổn định hơn, tránh được khủng hoảng và cuối cùng theo được các nước tiên tiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN