Xôn xao SEA Games 29: Việt Nam chỉ cần 6 phó đoàn, tránh “đi du lịch”…

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) Nguyễn Hồng Minh khẳng định rằng con số 10 phó đoàn đi theo đoàn TTVN tại SEA Games 29 là quá nhiều. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, chuyện có đông quan chức dường như đã trở thành “luật bất thành văn” ở đoàn TTVN.

Phó đoàn là rất cần thiết…

Ngày 29/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định thành lập Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 tại Malaysia từ ngày 11/8 đến 1/9 tới.

Theo đó, đoàn TTVN dự SEA Games có tổng cộng 693 thành viên bao gồm: 1 trưởng đoàn, 10 phó đoàn, 18 cán bộ, 22 bác sĩ, 32 lãnh đội, 28 chuyên gia và 106 HLV. Lực lượng thi đấu có 476 VĐV với 264 nam và 212 nữ. Các VĐV sẽ tranh tài ở 32 môn thể thao gồm điền kinh, bơi, bắn súng, bóng đá...

Xôn xao SEA Games 29: Việt Nam chỉ cần 6 phó đoàn, tránh “đi du lịch”… - 1

Đoàn TTVN

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn và 10 phó đoàn. Theo giải thích của một lãnh đạo Tổng cục TDTT, số lượng phó đoàn tăng lên một phần là do lực lượng VĐV năm nay đông hơn so với kỳ trước. Ở kỳ SEA Games gần nhất, TTVN chỉ có 365 VĐV, còn lần này lên tới 476 VĐV, với 264 nam và 212 nữ.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, về cấu trúc của đoàn TTVN, vị trí của phó đoàn rất quan trọng và cần thiết, bởi những người này sẽ lo công việc giúp sức cho trưởng đoàn. Trong khi đó, công việc chuyên môn sẽ thuộc nhiệm vụ của các lãnh đội (lãnh đạo ở các đội tuyển).

“Thành phần đoàn luôn có lãnh đạo, cán bộ giúp việc, HLV, VĐV. Mỗi đội sẽ có một lãnh đội để lo công việc. Việc giao việc cụ thể cho các lãnh đạo, cụ thể là phó đoàn, phụ thuộc vào sẽ phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, số môn thi đấu, số VĐV, địa điểm thi đấu.

Trong một đoàn thể thao tới vài trăm người đi dự giải quốc tế, nếu không có những lãnh đạo như phó đoàn, công việc sẽ rất nhiều và một mình trưởng đoàn không thể giải quyết hết. Vì thế mà phó đoàn rất quan trọng và không thể thiếu”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

…Nhưng “luật bất thành văn”

Thừa nhận đoàn thể thao Việt Nam dù tham dự sân chơi nào cũng cần có phó đoàn, nhưng ông Minh cho rằng cần phải làm rõ vai trò ông phó đoàn này làm gì, trách nhiệm tới đâu, chứ không có chuyện đi chơi, đi du lịch.

Nhưng vấn đề này lại rất khó làm, bởi từ xưa tới nay, việc thành lập đoàn thể thao với các vị trí lãnh đạo, thường phải làm theo cái tình.

“Những thành phố lớn, trung tâm lớn, sở thể thao lớn họ đóng góp nhiều VĐV người ta luôn đòi hỏi phải có lãnh đạo đi kèm. Họ bảo họ trực tiếp làm, vì sao không được đi cùng để chỉ đạo VĐV.

Họ chính là những người hiểu tâm lý VĐV mình, biết động viên, giải quyết nhiều công việc liên quan đến quân của mình, chứ không muốn để người khác xử lý.

Mà những người này đều có chức vụ lớn, không lẽ lại giao cho họ làm cán bộ đoàn, làm những nhiệm vụ như hậu cần, y tế, di chuyển… Vì thế mà phó đoàn là phù hợp nhất”, ông Minh lý giải về việc vì sao có nhiều phó đoàn ở một đoàn TTVN.

“Đây giống như một “chính sách mặt trận”, và một khi chúng ta chưa giải quyết được thì khó có thể tạo  được sự thống nhất”, ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cựu trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với một kỳ Sea Games chủ yếu thi đấu ở thành phố như năm nay, thì việc có tới 10 phó đoàn là quá đông, bởi chỉ cần 4, 5 hoặc 6 là đủ.

“Tôi còn nhớ kỳ SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam, rất nhiều địa điểm thi đấu, VĐV lên tới hơn 1.000 người, vậy mà chỉ có 8 phó đoàn.

Còn ở SEA Games 2005 chúng ta tham dự với 650 VĐV, nhưng phải thi đấu ở 35 địa điểm, hầu hết là các đảo phải di chuyển bằng máy bay, cũng vẫn chỉ cần 8 phó đoàn. Lần này 10 phó đoàn là nhiều, nhưng như tôi nói ở trên, khi chúng ta chưa giải quyết được bài toán tình và lý, thì không thể thống nhất được”, ông Minh chốt lại.

Băn khoăn 10 vị phó đoàn thể thao Việt Nam

Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 tại Malaysia (tháng 8/2017) có 10 phó trưởng đoàn, gồm: ông Tô Văn Động- Giám đốc sở VH-TT Hà Nội; Nguyễn Văn Bình- Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Tổng cục TDTT; Mai Bá Hùng- Phó Giám đốc sở VH-TT TP.HCM; Nguyễn Trọng Hổ- Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT; Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao I (chưa có tên vì đang chờ quyết định chính thức), Tổng cục TDTT; Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội; Đặng Việt Hà- Giám đốc Trung tâm HLTTQG TP.HCM; Lê Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng; Trần Chí Quân- Giám đốc Trung tâm HLTTQG Cần Thơ; Phạm Ngọc Dương- Trưởng phòng TDTT, Bộ Quốc phòng.

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng với thành phần đoàn TTVN có tới 10 vị phó đoàn đi kèm, nhiều người đã băn khoăn liệu số lượng quan chức đông đảo như vậy có thực sự cần thiết?. Những thông tin từ người nắm rõ về đoàn thể thao Việt Nam như ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ ở trên đã giúp người hâm mộ, quan tâm tới thể thao nước nhà hiểu thêm về câu chuyện nhân sự của đoàn khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

Một khi có sự phân công hợp lý, đoàn kết, phối hợp tốt, gắng sức tối đa, tận dụng được khả năng, chất xám của các chuyên gia trong vai trò lãnh đội, đoàn TTVN có thể bớt đi các vị trí quan chức đi kèm, tránh được cái tiếng “ăn theo”, “đi du lịch”…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.A ([Tên nguồn])
Tin nóng thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN