Trúc Vân, từ hoa chân thành hoa tay

Tôi đã cống hiến cho thể thao hết tâm huyết và khả năng của mình, nếu được lựa chọn lại điều mình muốn làm khi trẻ tuổi, tôi vẫn chọn làm VĐV điền kinh”. Đoàn Nữ Trúc Vân, VĐV ba lần vô địch Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong (VDTP), người đang giữ kỷ lục quốc gia chạy 5.000m và 10.000m nữ nói.

Sinh năm 1978, là con thứ 7 trong gia đình nông dân có 8 người con ở xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), Trúc Vân tuy bé nhỏ, chỉ cao 152cm nhưng có sức bền và sự cần mẫn tập luyện đáng khâm phục.

Trúc Vân, từ hoa chân thành hoa tay - 1

Vợ chồng VĐV Đoàn Nữ Trúc Vân hiện nay. Ảnh: Văn Cường

Lần đầu dự VDTP lần thứ  37 ở Hà Nội năm 1996, Trúc Vân được giải Tư nữ trẻ. Năm 2000, tại VDTP lần thứ 41 được tổ chức ở Đắc Lắc, Trúc Vân lên dự thi nữ chính và về thứ 3. Năm 2001, tại VDTP lần thứ 42 được tổ chức tại Hà Nội, cô gái nhỏ bé Đoàn Nữ Trúc Vân dẫn đầu suốt chặng đua quanh hồ Gươm và giành HCV nữ chính giải lần thứ 42. Cũng năm này Trúc Vân được tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo. Hai năm sau đó, Trúc Vân liên tiếp vô địch nội dung chạy nữ chính tại các VDTP lần thứ 43, 44 (2002, 2003).

Trưởng thành từ  Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, Trúc Vân đã trở thành VĐV điền kinh hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, với thành tích ấn tượng nhất là giành HCV chạy cự ly 10.000m tại SEA Games 22, được tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2003. Tại đây, dù chỉ được giao chỉ tiêu giành HCB, Trúc Vân đã xuất sắc lập kỷ lục quốc gia chạy cự ly 10.000m nữ, vượt qua VĐV Supriati Sutono (Indonesia), nhà vô địch châu Á, người nhiều năm thống trị đường chạy 10.000m tại SEA Games để giành HCV. Thành tích của Trúc Vân quá ấn tượng, quá bất ngờ, khiến khi chị về đích, HLV lão làng Bùi Lương đã chạy ra ôm lấy học trò, hai thầy trò cùng khóc. Với thành tích vô địch VDTP và HCV SEA Games, Đoàn Nữ Trúc Vân đã được bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2003.

Năm 2006, khi mới 28 tuổi, độ tuổi còn sung sức đối với VĐV chạy cự ly trung bình và đang học năm cuối đại học TDTT, Trúc vân nghỉ thi đấu, nghỉ học và rời khỏi ngành thể thao Khánh Hòa. “Khi đó tôi được triệu tập ra đội tuyển quốc gia, tôi xin bảo lưu kết quả học tập ở đại học TDTT, đồng thời đề nghị cấp trên trả lời về khả năng tôi được gắn bó lâu dài với thể thao Khánh Hòa, nhưng không có câu trả lời rõ ràng. Vừa lập gia đình, hai vợ chồng không có nhà ở, phải ở tạm trong gian phòng chưa đầy 10m2 dành cho VĐV độc thân, không biết tương lai ra sao, tôi đành phải xin không ra đội tuyển quốc gia, tự tìm cách lo liệu cuộc sống”, chị Trúc Vân kể.

Trở về Dục Mỹ, một thị tứ ở Ninh Sim, vợ chồng Trúc Vân mở tiệm dịch vụ đám cưới. Chồng Trúc Vân, anh Trần Minh Cường là cựu thủ môn đội tuyển bóng đá U19 quốc gia, cựu thủ môn đội bóng đá Khánh Hòa lo quay phim, chụp ảnh, còn chị đi học trang điểm. Hiện Áo cưới Cường Vân là hiệu dịch vụ chụp ảnh, quay phim, trang điểm cô dâu có tiếng nhất vùng, vợ chồng chị hài lòng với cuộc sống, với hai đứa con trai kháu khỉnh.

“Hồi trước, nhiều  người bảo chắc tôi có hoa chân nên chạy hay, bây giờ thì tôi thấy mình cũng có hoa tay, tôi vui vì làm cho phụ nữ đẹp lên, làm cô dâu đẹp lên”, Trúc Vân nói. Chị cho biết, bây giờ vẫn thích chạy, thích coi các giải điền kinh, nhất là chạy. “Tôi đã cống hiến cho thể thao hết tâm huyết và khả năng của mình, nếu được lựa chọn lại điều mình muốn làm khi trẻ tuổi, tôi vẫn chọn làm VĐV điền kinh. Giải việt dã sắp tới ở Cần Thơ, nếu có truyền hình trực tiếp thì chắc chắn tôi sẽ coi, làm gì thì làm cũng phải coi”, nhà vô địch SEA Games, 3 lần vô địch VDTP nói.

Trưởng thành từ  Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, Trúc Vân đã trở thành VĐV điền kinh hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á, với thành tích ấn tượng nhất là giành HCV chạy cự ly 10.000m tại SEA Games 22, được tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2003.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đình Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN