Nadal: Sức mạnh vô hình từ sự sợ hãi (Kỳ 7)

“Rafa Team” đã chia sẻ những bí mật về con người Nadal.

Rafael Maymo chính là “cái bóng” của Nadal, hay đúng hơn là người bạn nối khố của Rafa, luôn đồng hành với anh trong những chuyến thi đấu vòng quanh thế giới. Dáng mảnh khảnh, trông có vẻ khéo léo so với chiều cao 1m85, Maymo vừa là người bạn cũng như cộng sự của Nadal. Người đàn ông 34 tuổi giản dị trầm lắng nhưng cũng sắc sảo này cũng là người sinh ra ở Manacor cùng với Nadal. Kể từ khi Maymo bắt đầu làm công việc như chuyên trách vật lý trị liệu cho Nadal, cả hai đã phát triển một mối quan hệ có thể gọi như “thần giao cách cảm”. Họ gần như không phải nói chuyện quá nhiều để hiểu nhau, nhưng Maymo, hay là Titin như cách gọi trìu mến của Rafa (dù cái nickname ấy cũng không mang ý nghĩa gì), luôn biết cách biểu đạt bằng lời khi nào tâm trạng đã chín muồi hoặc chỉ cần lắng nghe là đủ. Vai trò của Maymo không đơn thuần là một người chăm sóc chú bạch mã thuần chủng. Maymo xoa bóp cơ bắp của Nadal, băng những khớp xương, làm nguội đi tâm trạng căng thẳng của Rafa. Có thể nói Maymo là người phụ tá thân cận nhất của Nadal.

Nadal: Sức mạnh vô hình từ sự sợ hãi (Kỳ 7) - 1

Maymo và Nadal tồn tại thứ thần giao cách cảm không cần diễn tả bằng lời

Maymo có mặt bất cứ khi nào Nadal cần, hỗ trợ về thể chất hay tâm lý, nhưng anh luôn biết giới hạn của mình: Maymo không thể thay thế gia đình của Nadal, những người là chỗ dựa để giúp Rafa đứng vững, dù là một tay vợt hay một người bình thường.

“Bạn không thể hiểu được tầm quan trọng của gia đình với Nadal như thế nào hay mối liên hệ giữa Rafa với họ,” Maymo nói. “Mỗi chiến thắng của Nadal cũng là chiến thắng của cả gia đình. Cha mẹ, anh chị em, cô chú, ông bà: Họ luôn sống theo nguyên tắc “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Họ thưởng thức cảm giác thắng trận cùng Rafa và đau đớn sau mỗi thất bại. Họ là một phần cơ thể của Nadal, giống như một cánh tay nữa luôn trợ giúp cậu ấy. Vì vậy người thân luôn có mặt trong những trận đấu của Nadal vì tất cả biết Rafa không thể chơi với 100% khả năng nếu thiếu họ. Đó không phải là một nhiệm vụ bắt buộc, mà họ thấy cần phải ở đó, không vì bất cứ lý do gì khác. Nhưng mọi người cảm thấy cơ hội chiến thắng của Nadal sẽ tăng lên, khi cậu ấy nhìn vào đám đông trước khi trận đấu bắt đầu và thấy những người thân thuộc ở đó. Đó là lý do vì sao Rafa khi giành những chiến thắng vĩ đại, cậu ấy lại lao lên khán đài như một bản năng để siết chặt mọi người trong những cái ôm, hoặc nếu ai đó ở nhà xem trận đấu qua ti vi, điều đầu tiên Nadal làm khi trở về phòng thay đồ là gọi điện về nhà.”

Cha của Rafa, ông Sebastian Nadal, đã phải trải qua những phút mà từng dây thần kinh của ông giằng xé liên tục trên sân Trung tâm, trong cái ngày diễn ra trận chung kết Wimbledon 2008. Hình ảnh trận đấu một năm trước, cũng là trận chung kết với Federer, gặm nhấm lý trí của Sebastian, giống như tất cả những thành viên trong gia đình Nadal. Họ đều biết Nadal đã phản ứng thế nào sau thất bại ở trận đấu kéo dài 5 set ấy. Sebastian từng miêu tả cảnh tượng trong phòng thay đồ sau trận đấu đó: Rafa ngồi trên sàn phòng tắm nửa giờ đồng hồ, với hình ảnh của sự tuyệt vọng, để mặc cho dòng nước xối xả trên đầu có thể che đi những giọt nước mắt lăn dài trên má.

“Tôi đã luôn lo sợ một thất bại nữa, không phải cho tôi, mà là Rafael.” Sebastian trải lòng dù cả đời ông là doanh nhân luôn bình tĩnh với mọi công việc. “Tôi đã nhìn thấy nó suy sụp, hoàn toàn bị nhấn chìm sau trận chung kết năm 2007, hình ảnh ấy đã khắc sâu trong trí óc và tôi không muốn phải nhìn thấy một lần nữa. Và tôi đã nghĩ, nếu nó thất bại, tôi có thể làm bất cứ điều gì để hàn gắn nỗi đau cho nó. Đây là trận đấu của cả cuộc đời Rafael, là ngày vĩ đại nhất. Những gì diễn ra trong quá khứ thật tồi tệ và tôi chưa bao giờ phải trải qua điều kinh khủng như thế.” Những người thân của Nadal cũng chia sẻ cảm giác đau đớn trong ngày hôm đó cùng Sebastian. Ai cũng tỏ ra cứng cỏi, nhưng ẩn sâu trong đó là sự tổn thương và mềm yếu.

Nadal: Sức mạnh vô hình từ sự sợ hãi (Kỳ 7) - 2

Gia đình luôn là thứ sức mạnh vô hình của Nadal

Maribel, em gái của Nadal, là cô sinh viên có vóc dáng cao gầy nhưng đầy cá tính, ít hơn Rafa 5 tuổi, dĩ nhiên cảm nhận theo một cách riêng, khác hẳn với những gì công chúng nghĩ về người anh trai. Đó là một người anh chăm chút em gái hơn mức cần thiết, người có thể gọi điện hay nhắn tin cho cô 10 lần mỗi ngày, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, mà theo Maribel, cứ như thể là lo cô bị ốm bất cứ lúc nào. “Một lần anh ấy đang ở Australia và tôi phải thực hiện vài xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, không có gì quá nghiêm trọng, nhưng tôi đã không đề cập đến chuyện đó khi nhắn tin cho Rafael. Nó khiến anh ấy suy nghĩ lăn tăn và suýt nữa thua trận.” Maribel kể lại trong sự tự hào về sự quan tâm của người anh trai, dù đôi lúc cô lấy điều đó để trêu chọc anh mình giống như một kẻ nhút nhát.

Ana Maria Parera, mẹ của Nadal, cũng phải công nhận như vậy. “Nó dù có đứng trên đỉnh của ần vợt thế giới thì trong sâu thẳm vẫn là một người nhạy cảm luôn lo lắng và quan tâm tới mọi người. Không phải ai biết nó cũng có thể tưởng tượng một cậu con trai cũng có những lúc nhát gan. Nó không ưa bóng tối và luôn thích ngủ dưới ánh sáng hay bật ti vi. Nó còn sợ cả sấm chớp nữa đấy. Hồi còn bé, nó trốn tuột dưới tấm nệm và đến bây giờ, khi trời mưa bão, nó cũng không cho phép ai được đi ra khỏi nhà vào lúc đó. Còn về khẩu vị, nó ghét nhất pho mát, cà chua, giăm bông và món ăn truyền thống của Tây Ban Nha. Cũng nhiều người không thích giăm bông nhưng không thích pho mát thì thật lạ. Nó đúng là đặc biệt.”

Không chỉ kén chọn món ăn, Nadal còn cầu kỳ cả lúc ngồi sau vô lăng. Rafa thích lái xe nhưng có thể là trong thế giới tưởng tượng của trò chơi PlayStation, thứ luôn nằm trong hành lý của Rafa trong những chuyến thi đấu xa nhà, hơn là trên chiếc xe thật sự. “Nó lái xe quá cẩn thận. Tăng ga, lại phanh, tăng ga, lại phanh tiếp và hết sức cẩn thận khi vượt xe khác, cứ như thể chiếc xe của nó không đủ sức.”

Nadal: Sức mạnh vô hình từ sự sợ hãi (Kỳ 7) - 3

Nadal chỉ dám xuống biển ở nơi nào có thể nhìn thấy cát dưới chân

Maribel thì thẳng thắn hơn bà Ana khi mô tả anh trai là “tay lái tệ nhất trần đời” và cô kể mấy câu chuyện hài hước về anh trai, như Nadal thích biển nhưng cũng sợ biển. “Anh ấy luôn nói sẽ tự mua một chiếc thuyền, rồi thích câu cá và trượt tuyết, nhưng anh ấy chả trượt tuyết, và nếu có bơi thì trừ khi anh ấy tận mắt thấy cát ở phía dưới. Đừng bao giờ mong anh ấy sẽ lao từ một tảng đá xuống mặt biển giống mấy người bạn thường làm.”

Nhưng tất cả những điều ấy không thể so sánh bằng cái tâm lý lo lắng cho người thân luôn hiện hữu trong Nadal: Sẽ có điều gì xấu xảy ra với gia đình mình. Không chỉ lo ai đó sẽ bị ốm, Nadal còn bất an khi nghĩ ra những tai nạn mà họ có thể gặp phải. “Tôi thường thắp lò sưởi cả đêm. Nhưng nếu nó đi ra ngoài, thể nào cũng nhắc nhở tôi nhớ dập lửa trước khi đi ngủ. Và sau đó nó sẽ gọi điện lại cho tôi ít nhất 3 lần từ bất cứ nhà hàng hay quán xá gì chỉ để chắc chắn tôi đã làm như thế. Nếu tôi tự lái xe từ nhà tới Palma, chỉ một giờ thôi, là nó sẽ luôn luôn van nài tôi lái xe thật chậm và cẩn thận.”

Nadal: Sức mạnh vô hình từ sự sợ hãi (Kỳ 7) - 4

Rafa lái xe cẩn thận giống như một thói quen không thể thay đổi

Bà Ana Maria là một người phụ nữ Địa Trung Hải điển hình, rắn rỏi và mạnh mẽ, cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên khi chứng kiến cậu con trai dũng cảm như thế nào trên sân đấu để vượt qua sự sợ hãi. “Nó là mẫu người đơn giản ngay từ cái nhìn đầu tiên và rất tốt bụng, nhưng cũng mang đầy tâm trạng rối ren. Nếu ai không hiểu trong sâu thẳm của nó, có những thứ không giống như những gì biểu hiện ra.”

Đó là lý do vì sao Nadal cần thêm một cánh tay trợ giúp để tích tụ thêm sự can đảm cho mình trước trận đấu lớn, như cách mà Rafa đã làm trong phòng thay đồ, tự thay đổi bản thân, kìm nén sự lo âu và những nỗi sợ hãi trước khi biến thành một đấu sỹ. Người đàn ông bước từ phòng thay đồ ra sân Trung tâm trước trận chung kết Wimbledon 2008 là “Superman”, hay cách khác, anh ấy cũng là Clark Kent (cái tên gắn với “Siêu nhân”).

Benito Perez Barbadillo, người phụ trách truyền thông cho Nadal từ tháng 12/2006, tin rằng những sự bất an vô hình lại chính là thứ nhiên liệu đốt cháy sức chiến đấu trong Rafa, khi gia đình luôn ở bên cạnh để hỗ trợ và tác động lên tay vợt người Tây Ban Nha trước trận đấu lớn. Perez đã làm việc trong Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam (ATP) trong 10 năm trước khi trở thành cầu nối giữa truyền thông với Nadal, tin rằng Rafa khác với những đồng nghiệp còn lại, ở cả khía cạnh là tay vợt hay người bình thường.

“Đó là thứ sức mạnh tinh thần độc đáo mà chính sự lo lắng thường trực lại thúc đẩy Nadal biến thành một chiến binh. Những gì Nadal sợ hãi, dù đó là bóng tối, cơn bão, biển hay những gì không tốt có thể xảy ra với những người thân, lại chính là thứ vũ khí đặc biệt giúp Rafa. Cậu ấy là một người cần phải kiểm soát mọi thứ, nhưng không thể tất cả. Vậy nên Nadal chỉ tập trung để nắm giữ một phần cuộc sống mà cậu ấy có thể điều khiển được: Rafa là một tay vợt.”

Kết thúc chương 1, chúng ta sẽ trở lại trận đấu siêu kinh điển giữa Nadal và Federer tại Wimbledon 2008? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Hai 25/3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN