Nadal: Nước mắt của kẻ thất bại (Kỳ 15)

Từ những giọt nước mắt thua trận, Nadal lại càng mạnh mẽ hơn.

Tôi không nghĩ có điều gì trong cuộc sống này mang lại cho ta cảm giác hưng phấn như lúc chiến thắng trong thể thao, dù ở bất kỳ môn thi đấu nào hay đẳng cấp nào chăng nữa. Nó không giống cảm xúc mãnh liệt hay đại loại là sự vui sướng gì đó. Và khi bạn càng khao khát chiến thắng, thì sự phấn khích càng tăng gấp bội khi thành công.

Hương vị chiến thắng đầu tiên khi chơi tennis diễn ra khi tôi 8 tuổi và giành chức vô địch quần đảo Balearic trong giải đấu dành cho những tay vợt dưới 12 tuổi. Đối với tôi, ngay ở thời điểm hiện tại, đấy vẫn là chiến tích lớn nhất trong sự nghiệp. Sự khác biệt giữa những tay vợt hơn kém nhau 4 tuổi khiến cảm giác chiến thắng thật lạ, khi những đối thủ trong hạng đấu to cao hơn hẳn tôi. Đó là lý do vì sao tôi dự giải đấu ấy mà không có khái niệm mình có thể vô địch. Lúc ấy tôi mới chỉ thắng được đúng một giải đấu với những cậu bé trạc tuổi mình. Nhưng sau đó trong một năm dưới sự huấn luyện của chú Toni, tôi tập luyện 1 tiếng rưỡi một ngày và 5 ngày trong tuần như thế. Tôi không thể tưởng tượng có đứa trẻ nào trong giải đấu lại phải luyện tập nhiều như tôi phải làm, hay phải tập với một vị huấn luyện viên nghiêm khắc đến vậy. Tôi cũng nghĩ rằng với sự dìu dắt của chú Toni, tôi đã nhập tâm vào tennis nhiều hơn những người bạn cùng tuổi. Điều đó giúp tôi có lợi thế hơn và có lẽ bây giờ vẫn vậy.

Nadal: Nước mắt của kẻ thất bại (Kỳ 15) - 1

Danh hiệu đầu tiên của Rafa

Nếu bạn được xem những tay vợt trong tốp 10 hay trong tốp 500 thế giới luyện tập, bạn sẽ chẳng thể nhận định xem ai là người có thứ hạng cao hơn. Không có áp lực trong trận đấu, họ sẽ di chuyển và đánh bóng theo một cách giống nhau. Nhưng làm thế nào để biết khi thi đấu không chỉ đánh bóng tốt mà còn phải đưa ra lựa chọn kịp thời, ví dụ như khi nào bạn bỏ nhỏ hay tung một cú đánh nặng, đánh bóng cao hay sâu, lúc nào thì đánh “backspin” hay “topspin” hay “flat” và đâu là mặt sân mà bạn có thể thực hiện những cú đánh ấy. Chú Toni đã dạy tôi những suy nghĩ về chiến thuật cơ bản trong tennis từ khi còn nhỏ. Nếu tôi sai lầm, chú Toni sẽ hỏi: “Cháu đã làm sai ở đâu?” Và chúng tôi nói về nó, phân tích những lỗi của tôi trong một khoảng thời gian dài. Thay vì biến tôi thành một con rối chỉ biết nghe lời, chú Toni khiến tôi phải tự động não suy nghĩ. Chú bảo tennis là trò chơi mà cháu phải xử lý thông tin một cách rất nhanh, chỉ cần nghĩ nhanh hơn đối thủ là đã có thể chiến thắng. Và để mọi ý nghĩ thông suốt, bạn phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.

Bằng cách đó, chú Toni đã xây dựng một sức mạnh tinh thần trong tôi, khi tôi bước tới trận tứ kết giải đấu dành cho những tay vợt dưới 12 tuổi, trong trận đấu mà tôi phải đối mặt với đối thủ hơn mình 3 tuổi. Tôi đã thua 3 game đầu tiên mà không giành nổi một điểm nào nhưng cuối cùng vẫn giành chiến thắng trong 2 set. Tôi cũng thắng trận chung kết trong 2 set. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ cái cúp ấy ở nhà, đặt nó ở vị trí trang trọng cùng những danh hiệu mà tôi có được khi thi đấu chuyên nghiệp.

Đó là chiến thắng rất quan trọng vì nó mang lại động lực thi đấu cho tôi sau này. Nhưng mọi thứ vẫn bình thường. Sau trận chung kết, tất cả những người thân và họ hàng của tôi ở các hòn đảo lân cận Ibiza, khoảng 50 người gì đó, đã rất vui khi tôi trở thành nhà vô địch, nhưng không có gì là ồn ào cả. Không có những bữa tiệc ầm ĩ sau đấy vì đó không phải là phong cách của chúng tôi. Với những đứa trẻ khác, tennis hay môn thể thao khác, động lực được thúc đẩy bởi cha mẹ, thường là người cha của chúng. Tôi thì đã có chú Toni. Nhưng động lực chiến thắng của tôi còn được bổ sung nhờ sự thoải mái của cha tôi trong mọi chuyện. Ông khác xa những bậc cha mẹ khác luôn ấp ủ mong muốn thực hiện giấc mơ của chính họ thông qua sự thành công của con cái. Ông đưa tôi qua lại Mallorca mỗi tuần, điều mà tôi chẳng bao giờ có thể biết ơn cho đủ, và ở lại xem tôi chơi tennis, không phải vì ông muốn tôi trở thành một ngôi sao mà vì ông muốn tôi cảm thấy hạnh phúc. Điều đó giúp cho tâm trí tôi những ngày còn bé không phải chỉ mỗi chuyện trở thành một tay vợt chuyên nghiệp hay nghĩ rằng tôi phải thắng bằng bất cứ giá nào.

Nadal: Nước mắt của kẻ thất bại (Kỳ 15) - 2

Ông Sebastian chưa bao giờ áp đặt Nadal phải làm gì

Có một câu chuyện từ lâu lắm rồi mà tôi và cha tôi vẫn còn nhớ như in, nó minh chứng cho thái độ của ông với tôi và của tôi với tennis là khác nhau như thế nào. Hai năm sau khi tôi vô địch quần đảo Balearic, ngay sau kỳ nghỉ hè vào tháng 9. Tôi đã có tháng 8 vui vẻ với bạn bè cùng những chuyến đi câu cá, tắm biển, đá bóng. Dù không tập luyện nhiều nhưng sau đó tôi đột nhiên được tham dự giải đấu ở Palma. Cha tôi đưa tôi tới đó và không như thường lệ, tôi đã thua tan tác. Tôi vẫn nhớ tỷ số trận đấu đó là 3-6, 3-6 trước một cậu bé mà đáng lẽ tôi có thể thắng. Ngồi trên xe trở về nhà, tôi như chết lặng. Cha tôi có lẽ chưa bao giờ thấy tôi ảm đạm đến thế, nên đã cố gắng giúp tôi phấn chấn hơn. Ông nói với tôi: “Thôi nào con, có gì to tát đâu. Đừng nghĩ mọi chuyện quá xấu như vậy. Con không thể lúc nào cũng thắng được.” Nhưng tôi không thể nói gì. Ông không thể kéo tôi ra khỏi tâm trạng bi đát lúc đó. Và cha tôi tiếp tục: “Hãy nhìn xem. Con đã có một kỳ nghỉ hè tuyệt vời với các bạn. Hãy vui lên vì điều đó. Con không thể có tất cả mọi thứ. Và con càng không thể là nô lệ của tennis.” Cha tôi nghĩ điều đó sẽ giúp tôi ổn hơn, nhưng tôi lại òa khóc, có lẽ điều đó khiến ông bị sốc vì chưa bao giờ thấy tôi khóc. Nhưng cha tôi vẫn nói: “Thôi nào, con đã có mùa hè đáng nhớ. Như vậy chưa đủ sao?” “Có chứ cha,” Tôi đáp lời ông, “Nhưng tất cả niềm vui không thể xoa dịu nỗi đau của con bây giờ. Con không bao giờ muốn phải như thế này một lần nữa.”

Nadal: Nước mắt của kẻ thất bại (Kỳ 15) - 3

Sau nước mắt Rafa càng mạnh mẽ hơn

Cha tôi vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện đó cho tới bây giờ và ông vẫn còn không khỏi bất ngờ khi tôi lại có thể nói những lời như “ông cụ non” ngay từ khi còn bé tý như vậy. Ông đã nhận ra từ cuộc nói chuyện trên xe hôm ấy như một thời điểm thay đổi những cảm nhận về cậu con trai của ông, và cả sự cảm nhận của tôi về những tham vọng trong cuộc sống cũng thay đổi. Tôi nhận ra một trong những điều khiến mình khó chịu nhất là cảm giác tôi cho phép bản thân buông xuôi, khi tôi thất bại mà không có sự cố gắng hết mức. Thay vì lái xe về nhà, cha tôi đưa tôi tới một nhà hàng hải sản để ăn món tôi thích nhất: Tôm chiên. Chúng tôi không nói chuyện nhiều khi ăn nhưng cha con tôi đều biết mọi thứ đã trôi qua. Một điều gì đó len lỏi trong tôi sẽ thay đổi trong tương lai phía trước.

11 năm sau, năm 2007, tôi sống lại trong cảm giác thất vọng sau trận chung kết Wimbledon với Roger Federer. Khi những giọt nước mắt rơi xuống, tôi đã nghĩ: “Mình sẽ không bao giờ được như thế này nữa.” Và tôi đã nhớ tới điều đó như một kim chỉ nam trong tâm trí mình vào lúc bắt đầu trận tái đấu năm 2008.

Từ những giọt nước mắt vì thua Federer ở chung kết Wimbledon 2007, Nadal đã bước vào trận đấu một năm sau như thế nào. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Sáu 26/4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN