Đại kiện tướng cờ vua “hồi sinh” nhờ người đẹp

Có thời gian tưởng như kỳ thủ từng là thần đồng tầm cỡ thế giới Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã mất nghiệp, song gần đây anh đã bất ngờ tái xuất mạnh mẽ. Tại World Cup đang tranh tài tại Na Uy, Sơn đã lọt vào tới vòng 2 để chắc chắn có phần thưởng 10.000 USD. Tất cả sự hồi sinh của kỳ tài một thời gắn với vợ sắp cưới, cũng là đồng đội hơn mình 3 tuổi.

9 tuổi trên đỉnh Thế giới, 23 tuổi ngoài Top 100

Không phải Quang Liêm hay Thanh Trang, chính Trường Sơn mới là kỳ thủ có tố chất nhất và xuất phát điểm tốt nhất của làng cờ vua Việt. Năm 2000, khi mới hơn 9 tuổi, anh đã giành chức Vô địch Giải Trẻ thế giới với sự sáng tạo, tính đột phá đến mức huyền thoại làng cờ Anatoly Karpov phải thốt lên hai từ: Thần đồng. Cũng năm ấy, tài năng trẻ quê Kiên Giang đã trở thành VĐV trẻ nhất trong lịch sử tham dự Đại hội TDTT toàn quốc.

Thêm 4 năm ăn, tập chủ yếu trong nước, song chỉ cần một chuyến tập huấn tại “lò” của HLV Hoàng Minh Chương trên đất Hungary, Sơn đã đạt chuẩn Đại Kiện tướng quốc tế (KTQT) và trở thành kỳ thủ trẻ thứ 2 lịch sử môn cờ vua thế giới chạm ngưỡng danh giá đó, khi mới 14 tuổi 10 tháng.

Đại kiện tướng cờ vua “hồi sinh” nhờ người đẹp - 1

Nguyễn Ngọc Trường Sơn thi đấu tại giải cờ vua Qin Huangdao mở rộng 2011

Với bệ phóng tuyệt vời như thế, những tưởng Sơn sẽ sớm gia nhập nhóm kỳ thủ hàng đầu thế giới (ít nhất cũng không kém Quang Liêm hiện nay) thì anh đột ngột chìm nghỉm. Sơn loay hoay, trầy trật trong nhiều năm ròng không thể bứt lên, thậm chí không lọt vào nổi Top 100 kỳ thủ nam hàng đầu thế giới. Có những lúc chính bản thân Sơn cùng làng cờ Việt Nam nản đến mức gần như buông xuôi.

Không phải Sơn không đủ khả năng vươn cao, nhưng anh đã đánh mất cơ hội một phần vì cá tính dị biệt, hoàn cảnh gia đình có éo le riêng và quan trọng nhất là không được đầu tư đến nơi đến chốn. Thật khó tin, một tài năng hiếm có như Sơn trong nhiều năm chỉ quanh quẩn trong nước rồi chờ dự 3-4 giải quốc tế theo kế hoạch thời gian và tài chính eo hẹp.

Cứu tinh là người đep

Thật may mắn cho chính Sơn và cả cờ vua Việt Nam, đúng lúc nguy nan nhất của anh một vị cứu tinh đã xuất hiện, với người đồng đội nữ trong ĐTQG Phạm Lê Thảo Nguyên - cô gái đất Cần Thơ mà hồi đầu anh vẫn kêu bằng “chị” do hơn mình tới 3 tuổi. Hơn tuổi song so với Sơn trên Đội tuyển, Nguyên lại là “tân binh” .

Tại chính nơi đây, tân binh “chị” đã luôn được “em” cựu binh nhiệt tình hỗ trợ. Hai người thân và hợp nhau ngay, trở thành bạn thân, nhất là khi Nguyên đã luôn thấu hiểu những khó khăn, nỗi niềm của Sơn. Thế rồi, qua các đợt tập huấn và thi đấu, ngồi trải hết tâm sức bên bàn cờ, thật tự nhiên cả hai yêu nhau lúc nào chẳng hay.

Đại kiện tướng cờ vua “hồi sinh” nhờ người đẹp - 2

Thảo Nguyên luôn thấu hiểu những khó khăn, nỗi niềm của Sơn

Không chỉ là người yêu, Thảo Nguyên đã trở thành một chỗ dựa, động lực tinh thần mang tính quyết định để Sơn quyết tâm làm lại “nghiệp cờ”. Anh đã vượt qua mất mát riêng tư, chí thú luyện tập và thi đấu thay vì thái độ tiếp cận được chăng hay chớ, thậm chí tiêu cực như trước.

Là một tài năng bẩm sinh, nên chỉ cần khi Sơn tập trung cao độ trở lại, anh lập tức lấy lại được vị thế, phong độ, nhất là khi được quan tâm đầu tư nhiều hơn trước. Điều này có thể thấy rõ trong 2 năm trở lại đây, khi Sơn luôn xuất sắc trong vai trụ cột số 2 sau Quang Liêm, giúp ĐTVN giành hàng loạt chiến tích tại SEA Games, các giải châu Á.

Đặc biệt, kể từ đầu năm 2010, Sơn đã thực sự lột xác khi giành hạng 5 nội dung cờ chớp giải Vô địch thế giới, đoạt suất tới World Cup và đang thi đấu rất thành công, với người yêu theo cùng. Nhiều khả năng ngay trong năm nay, Sơn sẽ lọt vào Top 100 thế giới.

Rõ ràng không thể lấy lại được cơ hội, khả năng phát triển đỉnh cao đã mất, song chí ít sự hồi sinh của Sơn cũng đã giúp cho cờ vua Việt Nam có một “mũi nhọn” tiếp cận đẳng cấp hàng đầu thế giới. Rất thú vị khi “vị cứu tinh” Thảo Nguyên giờ cũng đã vươn lên thành nữ kỳ thủ số 1 của Việt Nam.

“Việt Nam không có HLV nào đủ trình dạy Đại KTQT như tôi”. Đây là lời phát biểu của Trường Sơn cách đây 10 năm. Nó thể hiện cá tính dị biệt, phần nào đó “ngông” của Sơn. Có lẽ cách tiếp cận này là một nguyên do khiến Sơn sau đó chểnh mảng với nghiệp cờ. Tuy nhiên, quan trọng hơn là nó phản ánh rất đúng thực tế của cờ vua Việt Nam. Nếu được dẫn dắt bởi các chuyên gia ngoại, rất có thể Sơn đã đạt tới một tầm mức khác. Và như thừa nhận của giới chuyên môn, sau 10 năm, đến giờ, vẫn chưa có thầy nội nào đủ sức huấn luyện những Đại KTQT như Liêm hay Sơn. Nhiều năm nay, cũng chỉ có Sơn mới “dám” liên tục bỏ dự tranh các giải quốc nội, với lý do không nâng cao được trình độ và tiền thưởng quá thấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN