Cuộc chơi bóng chuyền

Câu chuyện đội bóng chuyền nam Đắk Lắk mới bị giải thể hồi tháng 2 này sau hơn một thập niên tồn tại tiếp tục cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc chơi thể thao đỉnh cao nói chung, bóng chuyền nói riêng và sự cần thiết xã hội hóa như thế nào ở những địa phương không dồi dào về ngân sách dành cho thể thao. Nếu không, bóng chuyền Việt Nam sẽ còn phải chứng kiến các cuộc chia tay khác.

Chia tay bất đắc dĩ

Chuyện các đội bóng chia tay sân chơi đỉnh cao đã trở thành quen trong làng bóng chuyền Việt Nam. Tất nhiên, cũng có nhiều kiểu giải thể.

Đội bóng chuyền nam Đắk Lắk (áo xanh) phải giải thể do đơn vị chủ quản gặp khó về nguồn kinh phí duy trì đội

Đội bóng chuyền nam Đắk Lắk (áo xanh) phải giải thể do đơn vị chủ quản gặp khó về nguồn kinh phí duy trì đội

Cũng vì lý do doanh nghiệp đồng hành rút lui, đội bóng được trả về ngành thể thao địa phương. Rõ nhất trong số này phải kể đến trường hợp đội bóng chuyền nam nổi danh một thời Bưu điện Hà Nội. Khi doanh nghiệp Viễn thông Hà Nội không thể đồng hành, đội được trả về ngành Thể thao Hà Nội.

Cũng phải sau hơn chục năm duy trì, gây dựng lực lượng, vào năm 2019, đội Hà Nội mới có thể giành quyền thi đấu trở lại sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam là Giải vô địch quốc gia.

Ở phía Nam là trường hợp của đội bóng chuyền nam Long An. Năm 2011, nhà tài trợ chính không còn đồng hành, lập tức đội bóng đi vào suy thoái. Nguồn ngân sách từ ngành thể thao địa phương chỉ giúp đội duy trì, tồn tại và không còn có thể vào nhóm tranh chấp huy chương như trước đó.

Điều này cũng dễ lý giải khi nhiều đội bóng khác tại Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp. Cũng phải gần đây, khi được hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tài trợ, đội bóng này mới dám nuôi lại tham vọng vươn cao ở Giải vô địch quốc gia.

Trong khi đó, cũng không hiếm đội bóng gặp khó và phải giải thể do chỉ hoàn toàn sống dựa vào ngân sách, không có sự đồng hành của doanh nghiệp. Điển hình nhất là trường hợp của đội Đắk Lắk, đội bóng mới bị giải thể trong thời gian gần đây.

Đội bóng đang thi đấu ở giải hạng A toàn quốc có hơn 10 năm gây dựng lực lượng, từng giành HCĐ giải hạng A năm 2020 nhưng từng ấy cũng không đủ thuyết phục cơ quan chủ quản duy trì đội. Nguồn kinh phí của ngành thể thao tỉnh có hạn dẫn đến phải lựa chọn hướng đầu tư phù hợp nhất.

Để rồi cuối cùng đội nữ được duy trì còn đội nam bị xóa tên. Thế là tuyến 1 của đội bị giải tán trong khi tuyến trẻ được định hướng chuyển sang các môn khác. Điều đó tạo nên những phản ứng từ các phụ huynh đã đồng ý để con theo đuổi bóng chuyền đỉnh cao.

Đương nhiên, khi các con của họ không phù hợp với môn thể thao được đơn vị chủ quản định hướng thì có thể sẽ phải chia tay nghiệp thể thao đỉnh cao. Lúc đó, khó tránh khỏi sự lỡ dở. Tất nhiên, có thể cũng có một số VĐV trẻ tìm được lối đi ở môn khác nhưng khả năng này lại là việc bỏ ngỏ, chưa thể khẳng định.

Đấy là trường hợp của những đội bóng vốn thuộc ngành thể thao của địa phương. Còn những đội bóng từng thuộc hoàn toàn doanh nghiệp cũng đã biến mất khỏi bản đồ bóng chuyền Việt Nam khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Rõ nhất trong số này phải kể đến trường hợp câu lạc bộ nam Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Từng là nơi thu hút không ít cao thủ trong làng bóng chuyền Việt Nam nhưng khi khâu điều hành gặp vấn đề cũng như đơn vị chủ quản, các doanh nghiệp vốn thường tiếp sức cho đội gặp khó khăn thì đội bóng tan rã.

Tìm lối đi

Trong hai đội bóng chuyền không được đơn vị chủ quản duy trì trong thời gian gần đây là Truyền hình Vĩnh Long (nữ) và Đắk Lắk (nam) thì nữ Truyền hình Vĩnh Long vẫn còn may mắn hơn. Ít nhất, đội cũng còn có ngay đơn vị chủ quản khác. Ngành thể thao Ninh Bình cũng muốn gây dựng một đội bóng chuyền nữ và chớp lấy cơ hội khi đội Truyền hình Vĩnh Long không được duy trì để thi đấu ở Giải vô địch toàn quốc.

Thế là cả đội nữ bóng chuyền Truyền hình Vĩnh Long được chuyển giao cho ngành thể thao Ninh Bình. Cũng nhờ vậy, Ninh Bình có luôn một đội bóng thi đấu ở Giải vô địch quốc gia thay vì phải gây dựng một đội bóng rồi thi đấu từ giải hạng A. Ở đây, nguồn lực cùng khả năng huy động xã hội hóa của ngành thể thao Ninh Bình là yếu tố quyết định để có thể dễ dàng nhận chuyển giao đội nữ Truyền hình Vĩnh Long.

Còn trường hợp của đội nam Đắk Lắk đến giờ vẫn là dấu hỏi khi chưa có địa phương hay đơn vị nào muốn nhận chuyển giao đội bóng. Vì vậy, hầu như ở mùa giải tới, bóng chuyền Việt Nam sẽ phải chia tay với một cái tên. Câu chuyện của đội bóng chuyền nam Đắk Lắk còn để lại hệ lụy khác là mang đến sự không an tâm cho những phụ huynh định cho con theo đuổi thể thao đỉnh cao. Đấy lại là vấn đề đáng lưu tâm để không chỉ cho bóng chuyền và còn cả làng thể thao Việt Nam nói chung.

Thực tế, nhiều đội bóng chuyền ở Việt Nam vẫn tồn tại dựa vào nguồn ngân sách nhà nước hoặc vừa bằng ngân sách nhà nước vừa bằng kinh phí từ doanh nghiệp. Cũng không nhiều đội dựa hoàn toàn vào kinh phí doanh nghiệp kiểu như Hóa chất Đức Giang hiện nay.

Dù vậy, khả năng thành công hay tồn tại sẽ nhiều hơn với những đội bóng dựa vào nguồn kinh phí của doanh nghiệp hoặc vừa bằng kinh phí nhà nước kết hợp kinh phí doanh nghiệp. Còn với những đội bóng dựa hoàn toàn vào ngân sách sẽ chỉ có thể mang đến mức lương vài ba triệu đồng/ tháng cho VĐV (thua xa những đội được xã hội hóa mạnh mẽ) và như thế thật khó vươn đến đỉnh cao.

Cho nên, việc xã hội hóa thể thao vẫn là điều tiên quyết để hạn chế những cuộc giải thể, chia tay bóng chuyền đỉnh cao một cách đáng tiếc. Ở đây, vẫn phải đề cao đến sự năng động của các nhà quản lý đội bóng để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, giúp họ thực sự yên tâm đầu tư cho đội.

Quyết tìm doanh nghiệp đồng hành

Đội bóng chuyền nam Hà Nội sau khi lên hạng vào năm 2019 đã đặt mục tiêu tìm bằng được nhà tài trợ để hỗ trợ VĐV. Hiện tại, nguồn kinh phí của đội cũng chỉ đủ mang đến tổng thu nhập khoảng hơn 7 triệu đồng/ tháng cho VĐV trong khi điều kiện tập luyện của đội hoàn toàn ở mức cao so với nhiều đội khác.

Ông Bùi Đình Lợi – Trưởng bộ môn bóng chuyền – bóng rổ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) cho rằng, nếu có nhà tài trợ thì đội bóng chuyền Hà Nội hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao bóng chuyền Việt Nam thay vì chỉ lo trụ hạng như hiện nay. Cho nên đơn vị luôn "trải thảm" để doanh nghiệp tiếp cận đội bóng.

Nguồn: [Link nguồn]

Người đẹp bóng chuyền Kim Huệ xinh tươi bên hoa lê, Linh Chi có giải nghệ lấy chồng?

(Tin thể thao, Tin bóng chuyền) Hoa khôi bóng chuyền Phạm Kim Huệ mới đây đã chia sẻ bí quyết giúp bản thân luôn tươi trẻ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN