Các chuỗi cà phê, trà sữa sang chảnh đổ ra lề đường mở ki-ốt, xe đẩy bán mang đi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, nhiều chuỗi cà phê máy lạnh ở TP HCM chọn cách “ở ké”, làm ki-ốt hoặc xe đẩy để tiết giảm chi phí mặt bằng

Chuỗi dịch vụ ăn uống (F&B) mới nhất tham gia mô hình này trong tháng 10 này là The Coffee House. 

Sau khi đóng cửa hàng "sang chảnh" The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) hồi đầu tháng 10, The Coffee House đã mở một cửa hàng mới với tên gọi TCH Now tại số 10 Phạm Hùng, phường Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Khác với những cửa hàng "sang chảnh" khác, TCH Now chỉ là một ki-ốt nhỏ đặt cạnh siêu thị Kingfoodmart (đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh), với 2 cửa nhận khách, 1 phía ngoài và 1 hướng bên trong siêu thị chuyên phục vụ khách mang về. Theo thực đơn, thức uống tại TCH Now có giá từ 32.000 – 60.000 đồng/ly, thấp nhất là cà phê ly cỡ nhỏ.

Ki-ốt TCH Now đặt cạnh siêu thị

Ki-ốt TCH Now đặt cạnh siêu thị

Theo đại diện TCH, ki-ốt TCH Now là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, nơi có mật độ người tiêu dùng cao như: Kingfoodmart, Co.opfood... Theo kế hoạch, ngoài ki-ốt, chuỗi The Coffee House còn phát triển đa dạng mô hình TCH Now xe đẩy đến đầu năm 2022.

Trước đó, "ông lớn" trong chuỗi cà phê máy lạnh là Highlands Coffee cũng phát triển các quầy bán cà phê đặt dưới chân các cao ốc, chung cư đông người với giá bán mềm hơn tại cửa hàng khoảng 10.000 đồng/món. Hay như thương hiệu trà, cà phê Phúc Long gần đây "phủ sóng" ở khá nhiều cửa hàng Vinmart+ để phục vụ thực khách mang về.

Hay như chuỗi cà phê Ông Bầu mở ra ngay khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 cũng chủ động phát triển nhiều phân khúc, từ cửa hàng vị trí đẹp đến xe đẩy chuyên bán mang đi. Hệ thống này cũng bắt tay với chuỗi nhà hàng Ba Gác để chia ca sử dụng mặt bằng "vàng" với chi phí thấp.

Một thương hiệu cà phê máy lạnh vừa mở chuỗi với một cửa hàng đầu tiên cũng tham gia mô hình cà phê xe đẩy

Một thương hiệu cà phê máy lạnh vừa mở chuỗi với một cửa hàng đầu tiên cũng tham gia mô hình cà phê xe đẩy

Theo ông Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi hệ thống AM Café và Djiring, đối với chuỗi cà phê, chi phí mặt bằng chiếm đến 30%-40% tổng chi phí nên cần phải tiết giảm trong giai đoạn hiện nay. "Djiring có kế hoạch mở 10 xe đẩy vào giữa năm nhưng vướng giãn cách nên phải lùi lại đến tháng 10. Chi phí đầu tư mỗi xe khoảng 70-80 triệu đồng, cần mặt bằng nhỏ với giá thuê 4-5 triệu đồng/tháng là hoạt động được" – ông Thành chia sẻ.

Lý giải về việc bán mang đi nhưng "cà phê máy lạnh" vẫn giữ giá cao trong khi các thương hiệu chuyên bán mang đi chỉ từ 20.000 đồng/ly trở lại, ông Thành nói rằng "để giữ chất lượng". Nhóm khách hàng mà các chuỗi này hướng đến là khách quen của thương hiệu, họ đã biết đến chất lượng cà phê nên mức giá thấp hơn 20% tại cửa hàng là hợp lý, không thể đua hạ giá với phân khúc thấp hơn.

Chuyên gia về đổi mới sáng tạo, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder, nhìn nhận hiện là thời kỳ khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp của các doanh nghiệp với mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Dù có hy sinh về hình ảnh thương hiệu nhưng đây là mô hình hiệu quả. Ngoài ra, việc nhiều thương hiệu kết hợp "thuê chung" mặt bằng giúp các thương hiệu có chi phí thấp để xâm chiếm nhanh các mặt bằng đẹp nhưng đang trống người thuê.

Nguồn: [Link nguồn]

Khối tài sản khủng của cậu học trò nghèo từng thi Olympia

Cuộc sống hiện tại của người đoạt vòng nguyệt quế Olympia năm thứ 6 gây choáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC ÁNH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN