Xử lý nợ Vinashin: Túm từng đồng bạc cắc

Cuối tuần qua và đầu tuần này, các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố báo cáo tài chính năm 2012 đã được kiểm toán. Có tới vài chục nhà băng dính nợ xấu vì Vinashin, song thông tin liên quan vẫn là ẩn số, duy chỉ PVFC công bố và cập nhật chi tiết việc xử lý.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, báo chí trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin khoản nợ quốc tế 600 triệu USD mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mất khả năng thanh toán dự kiến sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu được Bộ Tài chính bảo lãnh, kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1% mỗi năm và sẽ được trả khi đáo hạn, cùng với tiền vốn…

Tảng băng chìm

Các chủ nợ quốc tế sẽ có lối thoát cho vấn đề trái phiếu Vinashin. Còn hàng chục tổ chức tín dụng trong nước thì sao? Có cơ hội để “nhân rộng” giải pháp trên, mà dư nợ rất khó đòi, hay nói đúng là nợ xấu, của tập đoàn này trong nước còn gấp nhiều lần quy mô trái phiếu trên?

Thực ra, trong năm 2012, một hướng xử lý cũng đã được gợi mở từ vụ sáp nhập Habubank vào SHB. Habubank đã cho Vinashin vay cũng như qua kênh trái phiếu tổng cộng 3.345 tỷ đồng. Khối nợ chiếm tới 83% vốn điều lệ đã không thể thu hồi, trở thành một nguyên nhân chính yếu buộc Habubank phải sáp nhập.

Trong đề án sáp nhập, cũng như thông tin đưa ra xoay quanh sự kiện này, SHB cho biết 30% khối nợ trên sẽ được chuyển thành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, được dùng làm tài sản cầm cố mượn vốn ưu đãi từ các kênh của Ngân hàng Nhà nước… Đây được xem như một sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy việc sáp nhập thành công.

Xử lý nợ Vinashin: Túm từng đồng bạc cắc - 1

Cho đến nay, việc xử lý nợ của tập đoàn tầm cỡ một thời vẫn là ẩn số.

Và không chỉ riêng Habubank mà sau đó là SHB nhận sáp nhập, một số thông tin gần đây tiếp tục đề cập đến việc mở rộng cách hỗ trợ trên. Các ngân hàng thương mại được chuyển đổi khoảng 30% dư nợ Vinashin thành trái phiếu, được Chính phủ bảo lãnh, kỳ hạn 10 năm, lãi suất bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn; nhưng phần còn lại phải xóa cả dư nợ lẫn lãi. Đây là một thông tin đáng tham khảo, dù chưa có sự khẳng định ở kênh chính thức nào.

Ở tình hình chung, hàng chục ngân hàng thương mại có nợ xấu “dính” với Vinashin, song không thể nhận biết thực tế, triển vọng xử lý, hay những thay đổi như thế nào trong hai năm qua ở các báo cáo tài chính.


Nếu như hướng xử lý trên, một phần lớn dư nợ của Vinashin được xóa, thực tế các nhà băng gần như không thể đòi lại; một phần đáng kể được “trả” bằng trái phiếu có bảo lãnh. Vấn đề là, suốt gần hai năm qua, khi không có các giải pháp hỗ trợ và xử lý tổng thể từ Chính phủ, các ngân hàng đã tự thân vận động như thế nào? Gần như không có các thông tin chi tiết được công bố.

Trở lại với trường hợp của SHB, kết thúc năm 2012, thông cáo phát đi là “đã đủ bù đắp phần lỗ lũy kế của Habubank khi SHB nhận sáp nhập”. Đã bù đắp như thế nào, trong đó xử lý phần dư nợ của Vinashin có tiến triển mới không? VnEconomy cũng từng đề nghị tìm hiểu phía sau kết quả trên như thế nào, song SHB còn thận trọng… Về thông tin chính thức, ngân hàng này cho biết sẽ tiến hành trích lập dự phòng khoản đó trong vòng 5 năm.

Hay ở một trường hợp khác, tại BIDV, thông tin được biết đến là khoản trích lập dự phòng gần 4.000 tỷ đồng các khoản cho vay Vinashin; phần còn lại, khả năng thu hồi thời gian qua như thế nào cũng chưa rõ.

Ở tình hình chung, hàng chục ngân hàng thương mại có nợ xấu “dính” với Vinashin, song không thể nhận biết thực tế, triển vọng xử lý, hay những thay đổi như thế nào trong hai năm qua ở các báo cáo tài chính.

“Túm” từng đồng bạc cắc


Hai năm trước, khi khoản nợ khổng lồ của Vinashin nổi lên là một rủi ro lớn, các tổ chức tín dụng vào cuộc thu hồi, tìm cách giành lấy những gì có thể để bổ sung tài sản đảm bảo. Cuộc chiến này đến nay vẫn chưa dứt.

Tại Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), đầu tháng 3 vừa qua, khoản dư nợ khoảng 2.800 tỷ đồng tại Vinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thu hút sự chú ý của công chúng khi được đề cập đến trong đề án hợp nhất với Western Bank. Đây cũng là tổ chức duy nhất cập nhật chi tiết tình trạng khoản vay trong thời gian qua.

Thực ra con số dư nợ trên tại PVFC không mới, thường xuyên được thông tin và đưa ra tại các báo cáo tài chính, các kỳ đại hội đồng cổ đông hai năm qua. Song, dường như PVFC lại khá đặc biệt khi những thông tin gần đây đề cập đến khả năng ngoài cuộc hướng xử lý bằng chuyển đổi thành 30% trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nói trên.

Trả lời VnEconomy, một lãnh đạo của tổng công ty này khẳng định việc tham gia để chuyển đổi 30% dư nợ thành trái phiếu là một khả năng. Tuy nhiên hiện còn một số vấn đề khúc mắc phải từng bước xử lý.

PVFC cũng là tổ chức tín dụng duy nhất đến thời điểm này cập nhật tình hình xử lý dư nợ của Vinashin và Vinalines. Và thông tin công bố cuối tuần qua hé mở thêm những chấm nhỏ về sự thay đổi, bên cạnh kế hoạch trích lập dự phòng giãn từng bước trong vòng 5 năm tới.

Chỉ “túm” thêm được bạc cắc, song một lãnh đạo tổng công ty nói rằng, “nó cho thấy chúng tôi đã và đang nỗ lực để xử lý, dù là nhỏ nhất”.

Cụ thể, trong năm vừa qua, PVFC đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo là... hai xe ôtô, liên quan đến khoản vay của Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon - thuộc Vinalines). Khoản dư nợ tới 735 tỷ đồng, tài sản đảm bảo hiện có là chiếc tàu biển theo định giá từ 5 năm trước là 186,4 tỷ đồng.

Nay, thêm được hai chiếc ôtô, không rõ trị giá bao nhiêu và chỉ là chấm rất rất nhỏ so với giá trị dư nợ. Chỉ “túm” thêm được bạc cắc, song một lãnh đạo tổng công ty nói rằng, “nó cho thấy chúng tôi đã và đang nỗ lực để xử lý, dù là nhỏ nhất”.

Ngoài ra, liên quan đến dư nợ của Falcon, PVFC cũng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để “túm” thêm các tài sản hình thành qua dự án cảng Phú Hữu tại Đồng Nai. Khoản bổ sung cho tài sản đảm bảo này là đáng kể, song việc đầu tư, vận hành dự án đó còn là một thử thách. Điều đó cũng tương tự như kế hoạch bảo dưỡng, tạo đầu ra cho những chiếc tàu biển thế chấp trở lại hoạt động để có thể tạo nguồn thu, khi ngành vận tải biển đang gặp khó khăn lớn.

Có một điểm đáng chú ý, một lãnh đạo PVFC cho biết đang phối hợp với các đầu mối trong ngành dầu khí để “trừ” luôn một số khoản phải thu của Vinashin. Theo tìm hiểu của VnEconomy, quy mô thu hồi có thể đến vài trăm tỷ đồng và “chỉ còn là thời gian nữa thôi”.

PVFC có lợi thế cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), có “anh em” trong ngành đang tạo nguồn thu cho Vinashin để có thể chớp các cơ hội thu hồi nợ. Còn hàng chục tổ chức tín dụng khác thì sao, với quy mô dư nợ lớn hơn nữa thì sao, thời gian qua có tiến triển gì không?

Cho đến nay, việc xử lý nợ của tập đoàn tầm cỡ một thời vẫn là ẩn số.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN