Vực dậy lòng tin để thông vốn

Dự kiến tuần tới, tại TP.HCM sẽ có ngày hội kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngân hàng (NH) thừa tiền nhưng không cho vay, doanh nghiệp (DN) khát vốn vay không được. NH và DN đều nêu cái lý của mình để biện minh vì sao dòng vốn tín dụng không lưu thông. Nhưng trên tất cả biện pháp kỹ thuật về hồ sơ, giấy tờ, tính an toàn… thì vấn đề là cả hai không tin nhau!

Thừa không nhả, đói không vay

Ông Phạm Khắc Phong, Giám đốc Công ty Dệt Phụ liệu Nam Phong (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết công ty của ông vừa được NH BIDV cho vay 1 tỉ đồng với lãi suất 12%/năm nhưng đó là có sự tác động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, UBND quận Tân Bình và mối quan hệ tín dụng lâu năm giữa công ty với BIDV.

Trước đó, ông có tiếp cận NH Quân đội và nhận thông tin sẽ được cho vay với lãi suất 15%/năm. Tuy nhiên, sau khi công ty cung cấp hồ sơ, báo cáo kiểm toán, các hợp đồng chứng từ liên quan thì một tháng sau NH này trả lời mức lãi suất cho vay sẽ là 19%/năm. “Nếu vay 5 tỉ đồng đầu tư mà lãi suất gần 20% thì mỗi năm mất đứt 1 tỉ đồng. Tính ra với lãi như vậy thì năm năm sau tôi mất luôn số tiền 5 tỉ đồng. Đầu tư như vậy quá rủi ro” - ông Phong bộc bạch.

Vực dậy lòng tin để thông vốn - 1

Qua hỗ trợ của Hiệp hội Bất động sản TP, một số dự án đã được NH trợ vốn để hoàn thiện công trình.

Ngược lại, theo tổng giám đốc một NH thương mại có trụ sở tại Hà Nội, DN than không tiếp cận được lãi vay nhưng không phải cái nào họ kêu cũng có cơ sở. Phải thâm nhập thực tế mới thấy DN đưa hồ sơ không đầy đủ, phương án kinh doanh thiếu khả thi, không có hợp đồng mới… “DN yếu như vậy làm sao NH cho vay với lãi suất thấp, kể cả khi họ muốn vay lãi cao chưa chắc chúng tôi xét duyệt. Vì có cho vay thì DN không thể tạo ra dòng tiền để trả vốn và lãi cho NH” - vị tổng giám đốc này nói.

Các ý kiến trên đã phần nào khái quát bức tranh về tín dụng bế tắc hiện nay: NH và DN không còn tin nhau.

Cần “bà đỡ”

Khi niềm tin về quan hệ tín dụng đứt gãy, DN rất cần các cầu nối từ hiệp hội, cơ quan quản lý để tiếp cận vốn vay giá rẻ.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết có khoảng 40 DN muốn thông qua Hiệp hội vay khoảng 500 tỉ đồng với lãi suất 12%-13%. Các hồ sơ vay đã được Hiệp hội chuyển sang cho NH thẩm định. “Thông qua đầu mối là Hiệp hội NH mới biết rõ hơn về sức khỏe DN, điều đó giúp họ mau xét duyệt hồ sơ” - ông Hưng nói.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Trước đó qua cầu nối của hiệp hội các công ty bất động sản như Đức Khải, Thế kỷ 21, Tài Nguyên… đã tiếp cận được vốn vay từ NH BIDV”.

Một số NH thương mại cho biết từ đây đến cuối năm có kế hoạch phải giải ngân cho vay ra lượng tiền lớn. Tuy nhiên, họ không phải vì áp lực tăng trưởng tín dụng mà nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay. NH sẽ thông qua các hội nghề nghiệp để vốn vay đến DN có nhu cầu thật sự.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau ngày 15-7, UBND TP.HCM sẽ chủ trì một cuộc gặp kết nối NH và DN. Lúc đó các NH sẽ tiếp xúc trực tiếp với DN để thông tin về hồ sơ, lãi vay, các mức vay ưu đãi… Nhưng “dù Nhà nước có hỗ trợ, làm đầu mối tháo gỡ bế tắc tín dụng thì DN phải tâm niệm tự cứu mình trước tiên. DN phải thay đổi về chiến lược, có phương án kinh doanh khả thi, cắt giảm chi phí hoạt động… đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh mạnh lên. Muốn vay được vốn thì hơn ai hết DN phải làm cho NH tin mình đã” - bà Hồng nói.

Ngày hội để NH-DN tự công khai

Dự kiến tuần tới, UBND TP sẽ tổ chức ngày hội NH gặp gỡ DN. Khi đó các NH thương mại giới thiệu về NH, các khoản cho vay, về lãi suất, đối tượng cho vay, còn DN sẽ tiếp cận NH và đăng ký số vốn vay.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM

Chi nhánh miền Nam của NH SHB sẽ tham gia ngày hội NH đồng hành cùng DN do UBND TP tổ chức. NH sẽ có những gói tín dụng hỗ trợ từng đối tượng khách hàng DN cụ thể, linh hoạt xem xét cho vay với các DN có những chỉ tiêu tài chính không tốt do tình hình kinh tế khó khăn, miễn DN có phương án kinh doanh tạo ra dòng tiền và dòng tiền này phải thông qua NH quản lý, ví dụ thanh toán chi, trả tiền đều phải qua NH…

Ông NGUYỄN VĂN LÊ, Tổng Giám đốc NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB)

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Nhơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN