‘Vua tiền mặt’ và vụ thâu tóm ngàn tỷ

Kinh tế khó khăn khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp bộc lộ những điểm yếu chết người. Đây là cơ hội để những đại gia lắm tiền, nhiều của tấn công các con mồi yếu thế.

Tung tiền gom DN

Báo cáo hợp nhất kiểm toán 2012 của Tập đoàn Masan (MSN) vừa được đưa ra cho thấy, trong năm vừa qua tập đoàn này đã mua công ty TNHH MTV Hoa Mười Giờ (HMG) và sử dụng thành công cụ đầu tư để mua 40% lợi ích của CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco).

Tổng giá trị giao dịch là 2.028,01 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu của HMG là 10 triệu đồng còn 2.028 tỷ là do MSN cho HGM vay. Sau đó vốn chủ sở hữu cùng khoản vay của HMG được chuyển giao bằng giá gốc cho Masan Consumer - một công ty con của MSN.

Ngay đầu năm 2013, CTCP Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer) cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại 24,9% cổ phần, tương đương hơn 2 triệu cổ phiếu của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo từ CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD). Mức giá mua lại được cho biết là 85.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 240% so với giá trên OTC.

Tập đoàn cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mua tối đa 100% cổ phần của một công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư tối đa là 700 tỷ đồng.

‘Vua tiền mặt’ và vụ thâu tóm ngàn tỷ - 1

Trước đó, vụ thâu tóm thành công Vinacafe Biên Hòa hồi tháng 9/2011 thông qua chào mua công khai hơn 50% vốn điều lệ là một trong những thương vụ diễn ra đầy bất ngờ nhưng đã mang lại lợi ích lớn cho cổ đông cả hai phía.

Mở màn M&A trên thị trường năm 2013, CTCP Hùng Vương đã hoành thành thương vụ thâu tóm CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, với việc bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại cổ phần, tăng tỷ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31%.

Làn sóng M&A trong khoảng hai năm gần đây diễn ra khá mạnh, riêng HVG đã thực hiện một loạt các thương vụ như mua thêm 5 triệu cổ phần CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC); tăng sở hữu tại CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) lên 51%; mua lại 18% cổ phần tại CTCP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT); góp vốn mua 25% cổ phần của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Tắc Vân…

Nhiều DN lớn khác cũng dồn dập tung tiền thực hiện các thương vụ M&A như: Địa ốc Đất Xanh (DXG) mua một loạt dự án BĐS, trong đó có hai block căn hộ tại dự án Thiên Lộc (quận Gò Vấp), mua toàn bộ căn hộ từ Sunview 5 (quận Thủ Đức)…; Kinh Đô (KDC) sáp nhập Vinabico; Cadivi mua Cáp Sài Gòn; Danh Khôi Á Châu mua dự án căn hộ chung cư Nhất Lan (quận Bình Tân); Tập đoàn DOJI mua 20% cổ phần của TienPhongBank; SHB-Habubank; Thiên Thanh tham gia vào việc tái cơ cấu của TrustBank...

Nhiều kế hoạch M&A cũng đã được phác ra như: Coteccons tính thâu tóm Unicons và Phú Hưng Gia; PVFC hợp nhất với ngân hàng Phương Tây; Công ty Xuyên Thái Bình chào mua thêm 3,13 triệu cổ phiếu (tương đương 29%) của Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre; Sacombank-Eximbank…

Cơ hội cho người mua

Trong hoạt động M&A như trên cơ hội luôn nghiêng về bên mua bởi rất nhiều doanh nghiệp đang vật lộn trong giông bão. Không ít doanh nghiệp đuối sức và đang tìm phao cứu sinh bằng cách bán bớt tài sản.

Trong trường hợp mua Việt Thắng (VTF) DN sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại ĐBSCL, Hùng Vương đã hoàn thành chu trình khép kín để tiết kiệm chi phí thức ăn nuôi trồng thủy sản. Việc thâu tóm VTF và AGF được đánh giá sẽ giúp HVG thực hiện tham vọng chiếm 25 - 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, khoảng 3 tỷ USD, vào năm 2015.

Thương vụ Cadivi mua lại cơ sở vật chất của Cáp Sài Gòn (CSG) cũng mang lại nhiều lợi ích cho bên mua. Theo đó, vụ M&A CSG đã giúp Cadivi tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc so với việc xây dựng nhà máy mới và giúp doanh nghiệp. Mức giá 90 tỷ đồng cho toàn bộ máy móc, thiết bị và hơn 45 ha đất được thuê đến năm 2053 là một món hời và có lẽ chỉ thực hiện được trong thời kỳ vàng M&A như hiện nay.

‘Vua tiền mặt’ và vụ thâu tóm ngàn tỷ - 2

Trong vụ M&A giữa Masan và Vinacafé Biên Hòa (VCF), mục đích của Masan là dài hạn, nhằm thống lĩnh thị trường cà phê hòa tan, thông qua đó giúp vị thế “hàng tiêu dùng” của tập đoàn này được tiếp tục nâng lên.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu VCF đã tăng chóng mặt 300-400%, từ mức 50.000 đồng/cp thời điểm chưa có thông tin thâu tóm lên mức khoảng 210.000 đồng/cp hiện tại.

Trong trường hợp MSN, tập đoàn này là một trong số ít các đại gia trên sàn chứng khoán có tiền mặt hàng nghìn tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2012, MSN có gần 5.820 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Ngoài ra MSN còn 1.800 tỷ tiền gửi ngân hàng dưới dạng đầu tư ngắn hạn, tổng cộng tiền của MSN khoảng 7.620 tỷ.

Hay như trong trường hợp Coteccons, đại gia xây dựng này có tới gần 1.200 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn. Số tiền này có lẽ giúp Coteccons cảm thấy khá thoải mái khi bỏ ra hơn 170 tỷ đồng để nắm quyền kiểm soát đối với 2 công ty Unicons và Phú Hưng Gia.
Một số gương mặt nhiều tiền đang tiến hành mở rộng sản xuất hoặc/và tiến hành các thương vụ M&A có thể kể đến: MSN, VNM, REE, FPT, HPG, HAG, GAS, VIC, GMD, SAM, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước..

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khủng hoảng, xu hướng M&A được dự báo sẽ còn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, cơ hội M&A chỉ dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và có chiến lược dài hạn.

Không chỉ các nhà đầu tư nội, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã và đang tham gia hoạt động này. Hàng chục quỹ đầu tư quy mô nghìn tỷ USD cũng đã đến Việt Nam và rất có thể cũng đang tìm kiếm những cơ hội M&A tại đây. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN