TTCK và những vấn đề vô cùng cấp bách

TTCK Việt Nam đang gặp phải 4 vấn đề nhức nhối là niềm tin của NĐT, thanh khoản thấp, thiếu hàng hóa chất lượng và room cho NĐT bị hạn chế.

Ngày 13/11, Nhóm công tác thị trường vốn do ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital đứng đầu, đã có cuộc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất các kiến nghị liên quan đến thị trường vốn, nhằm chuẩn bị cho sự kiện Diễn đàn doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 3/12 tại Việt Nam.

Trong kiến nghị năm nay, lần đầu tiên, Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, TTCK Việt Nam đang gặp phải những vấn đề vô cùng cấp bách. Trong đó, niềm tin của nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp, thanh khoản trên thị trường cạn kiệt, thiếu hàng hóa chất lượng và room cho nhà đầu tư ngoại bị hạn chế là 4 vấn đề nhức nhối nhất. Để rộng đường dư luận, PV giới thiệu góc nhìn và những kiến nghị chính của Nhóm công tác cho vấn đề của thị trường vốn năm 2012.

Các vấn đề cấp bách với thị trường vốn

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, nền kinh tế Việt Nam sau một thời gian tăng trưởng nhanh và ấn tượng, đã có dấu hiệu chững lại. Sự sụp đổ của Vinashin và tình hình tài chính yếu kém của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, nợ xấu trong khối ngân hàng đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng đầu tư quốc tế. Mức độ tín nhiệm quốc gia suy giảm khiến cho việc huy động vốn quốc tế trở nên khó khăn với chi phí đắt đỏ hơn. Đặc biệt, vấn đề nợ xấu trong khối ngân hàng ngày càng bộc lộ rõ nét và tiểm ẩn những nguy cơ lớn cho toàn bộ nền kinh tế.

TTCK và những vấn đề vô cùng cấp bách - 1

TTCK Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nhức nhối cần có giải pháp cấp bách.

Trên cơ sở một bức tranh vĩ mô còn bất ổn, thị trường tài chính Việt Nam là khu vực bị ảnh hưởng sớm nhất và sâu sắc nhất. TTCK Việt Nam đã suy giảm liên tục trong các năm qua, VN-Index mất 28% trong năm 2011 sau khi đã giảm 2% trong năm 2010; thị trường có hồi phục trong nửa đầu năm 2012, tuy nhiên sau đó đã giảm mạnh trở lại do những lo ngại về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, cũng như các chỉ số vĩ mô chưa thật sự được cải thiện.

Hiện nay, TTCK gặp phải những vấn đề vô cùng cấp bách, cụ thể là niềm tin của nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp, thanh khoản trên thị trường cạn kiệt, giá trị giao dịch ở mức 20 - 30 triệu USD/ngày là quá thấp cho hoạt động giao dịch của các tổ chức đầu tư nước ngoài. Thời gian vừa qua, TTCK cũng không cung cấp được nhiều hàng hoá có chất lượng cao cho nhà đầu tư, số ít công ty có chất lượng thì tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã hết. Kết quả là TTCK đã không thể thực hiện tốt chức năng của mình là kênh thu hút nguồn vốn dài hạn, giá rẻ cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến vai trò của nhà quản lý TTCK, Nhóm công tác cho rằng, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật như đã trình Chính phủ bản Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020; xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung; các quy định về công bố thông tin, quản trị công ty, quy định về giao dịch ký quỹ, áp dụng bộ chỉ số VN30, lệnh thị trường, tăng thời gian giao dịch… Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư về quỹ mở cũng như đang dự thảo các thông tư về quỹ bất động sản, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ ETF. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCK đang xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK. Thị trường trái phiếu cũng có nhiều sự cải thiện theo những góp ý của Nhóm công tác, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần có phải giải pháp mạnh để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và lấy lại vị thế cho TTCK.

Giải quyết các vấn đề cấp bách, cần những giải pháp cấp bách

Không phải một lần mà nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã phản ánh tình trạng mở tài khoản đầu tư tại TTCK Việt Nam quá cồng kềnh, mất rất nhiều thời gian (khoảng 6 tháng) để lo thủ tục. Năm 2012, một lần nữa, Nhóm công tác cho rằng, quy định phải có lý lịch tư pháp và xác nhận không có tiền án của nước mà người mở tài khoản mang quốc tịch gây mất thời gian và tốn kém, cản trở và làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài, trong khi họ có nhiều thị trường khác để lựa chọn tham gia đầu tư. Nhóm đề xuất nên thay thế quy định này bằng một quy định đơn giản là công chứng hộ chiếu. Như vậy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và quan trọng nhất là thu hút nguồn vốn gián tiếp mới cho TTCK, bổ sung nguồn vốn phục vụ mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Một trong những giải pháp đột phá mà Nhóm đưa ra để giải quyết vấn đề thanh khoản cho TTCK là đề xuất nới rộng biên độ và chỉ giám sát biến động lớn của giá cổ phiếu. Thực tế, dù UBCK đã chấp thuận cho 2 Sở kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều, nhưng thanh khoản vẫn ở mức quá thấp, một phần do quy định biên độ dao động giá đã hạn chế chuyển động tự nhiên của giá. Mặc dù tỷ lệ này được đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư trước hiện tượng sụt giá mạnh, nhưng cũng làm vướng víu sự vận hành tự nhiên của thị trường.

Việc thiết lập biên độ dao động giá tỏ ra không hiệu quả như dự kiến, đặc biệt khi nhà đầu tư cá nhân ở trong trạng thái hoảng loạn, họ luôn nhắm đặt mức giá sàn để bán cổ phiếu. Trong khi ở một thị trường không bị giới hạn biên độ giao dịch, nhà đầu tư sẽ phải nghĩ về mức giá cổ phiếu mà họ muốn bán hơn là một mức giá sàn “mặc định”. Để giải tỏa nút thắt này, Nhóm công tác cho rằng, UBCK nên tính việc nới biên độ giá và quy định tạm ngừng giao dịch 30 phút đối với những cổ phiếu có giá tăng hay giảm trên 10%. Cùng với đó, UBCK cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hoá, nâng cao thanh khoản của thị trường.

Một vấn đề thời sự, gây nhiều tranh cãi hiện nay là câu chuyện bán khống. Theo Nhóm công tác, bản thân họ nhận được nhiều ý kiến cho rằng, UBCK, Bộ Tài chính nên xem xét cho phép bán khống (short sell) vì 2 lý do chính. Thứ nhất, bán khống giúp kiềm chế sự lạc quan thái quá của nhà đầu tư đối với giá chứng khoán thể hiện qua những đợt tăng/giảm bất thường trên thị trường và thứ hai, trên thực tế hiện nay, một số nhà đầu tư đã thực hiện việc bán khống qua sự thoả thuận giữa họ với nhau, điều này tạo ra những lợi thế riêng cho những nhà đầu tư này. Do đó, nhà quản lý nên tăng cường giám sát các hoạt động bán khống trên thị trường và tiến tới nghiên cứu luật hoá hoạt động bán khống nhằm tạo ra sự minh bạch và công bằng cho mọi thành viên thị trường.

Liên quan đến tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư ngoại trên TTCK Việt Nam, Nhóm công tác nhận định, một thị trường mở thực sự không nên tồn tại sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Để kiểm soát được các lợi ích nội địa, đặc biệt là trong những DNNN, Nhóm cho rằng, nên tạo ra một loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares) dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Một điển hình áp dụng loại hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết này là Thái Lan, thông qua việc thành lập Thai NVDR Co., được sở hữu 100% bởi Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan. Công ty này có trách nhiệm phát hành và bán các cổ phiếu không có quyền biểu quyết (Thai non-voting depository receipts) cho nhà đầu tư nước ngoài. Mục đích của loại cổ phiếu này là cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…), nhưng giới hạn họ không tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty.

Đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, để tái cấu trúc khối ngân hàng, cần một nguồn vốn lớn. Do đó, Chính phủ nên nới các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng hiện nay (giới hạn 30% tỷ lệ sở hữu nước ngoài và 20% cho một nhà đầu tư chiến lược). Thực tế, các ngân hàng nước ngoài không chỉ quan tâm đến mức tỷ lệ sở hữu tới 49%, mà mong muốn được sở hữu trên 50% nhằm thực sự có tiếng nói trong việc điều hành ngân hàng. Trong bối cảnh UBCK đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Quyết định 55/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK, Nhóm công tác kiến nghị cần sớm cho phép thành lập CTCK, quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài theo lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.

Liên quan đến bổ sung hàng hóa chất lượng cho TTCK, Nhóm công tác nhận định, hiện nay luật đã có quy định DN cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 tháng, nhưng trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để. Theo Nhóm công tác, cổ phần hóa là xương sống của các chính sách kinh tế và Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là ĐỊNH GIÁ và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng), có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tại Việt Nam, việc cổ phần hóa thường hay mắc phải một vấn đề cơ bản là định giá phát hành quá cao, dẫn tới thất bại ngay từ khi đấu giá. Bên cạnh đó, Nhà nước cần bán một tỷ lệ đáng kể để thị trường bảo đảm có thanh khoản, chứ không chỉ bán ở mức vài phần trăm sở hữu, thì bán cũng như không. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đầu tư chứng kkhoasn
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN