Tổ chức cáo buộc bầu Đức có đáng tin?
Tổ chức Global Witness (GW) đã bị Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chỉ trích là bịa đặt 99,9% để "kiếm tài trợ" khi cáo buộc HAG "cướp đất, phá rừng" tại Lào, Campuchia. GW là ai? PV đã tìm hiểu về uy tín, mục đích của GW từ xưa đến nay.
Phi chính phủ, phi lợi nhuận
Theo hồ sơ của trang Đạo đức doanh nghiệp (ethicalcorp.com) và trang từ điển mở Wikipedia, GW là một tổ chức phi chính phủ (NGO) và phi lợi nhuận, thành lập năm 1993 với mục tiêu chống lại tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, xung đột, nghèo đói, tham nhũng và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Hiện GW có các trụ sở văn phòng ở London (Anh) và Washington, D.C (Hoa Kỳ). GW tuyên bố họ không liên quan đến bất kỳ một khuynh hướng chính trị nào.
Nguồn ngân sách chủ yếu của GW do đóng góp từ các cá nhân, quỹ từ thiện và các chính phủ. Một trong những nhà tài trợ chính của GW là Open Society Institute - cũng là quỹ đóng góp chính cho tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. Các chính phủ đóng góp chính cho ngân sách của GW là Na Uy và Anh.
Trong một cuộc phỏng vấn trên báo The Guardian (Anh) năm 2007, một trong những giám đốc kiêm sáng lập viên GW là Patrick Alley, đã phủ nhận những cáo buộc trước đó rằng GW "ăn cơm chúa phải múa tối ngày" khi nhận tiền từ các chính phủ.
"Là một tổ chức hoạt động vì mục tiêu, chứ không vì ngân sách, sự độc lập của chúng tôi là không thể nghi ngờ. Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh từng yêu cầu chúng tôi ký một số thỏa thuận, nhưng chúng tôi tuyên bố sẽ không nhận đóng góp ngân sách nếu có các điều kiện đó. Những chính phủ khác chưa bao giờ áp đặt điều tương tự" - ông Alley nói.
Từ tháng 12-2008 đến tháng 11-2009, GW huy động được 3.831.831 bảng Anh (121,46 tỷ đồng). Trong đó, khoảng 61% từ các quỹ tư nhân và các tổ chức, 33% từ các chính phủ, 3% từ các tổ chức đa chính phủ hoặc phi chính phủ, 3% từ lãi suất ngân hàng và các nguồn khác. GW cho biết họ dùng 75% ngân sách để chi cho các chiến dịch, 7% cho truyền thông và gây quỹ, 18% cho hỗ trợ và quản trị.
Hoạt động, thành tựu
GW đã tiến hành nhiều chiến dịch về khai thác kim cương, dầu mỏ, khí đốt, gỗ, cacao, vàng và các khoáng sản khác. Họ đã tiến hành hàng loạt cuộc điều tra, nghiên cứu ở Campuchia, Angola, Liberia, Congo, Equatorial Guinea, Kazakhstan, Myanmar, Indonesia, Zimbabwe, Turkmenistan và Bờ Biển Ngà.
GW đã đóng góp rất lớn trong việc giúp thành lập các sáng kiến quốc tế như Sáng kiến Minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI), Quy trình Kimberley (về khai thác và kinh doanh kim cương) và liên minh Công khai Chi trả (PWYP).
Nông trường cao su của HAGL tại Lào.
Chiến dịch đầu tiên của GW là chống lại việc buôn gỗ lậu giữa Campuchia và Thái Lan của Khơ me Đỏ. Nỗ lực của họ đã thành công với việc đường biên giới Campuchia-Thái Lan bị đóng. Lúc đó, tạp chí Người quan sát (The Observer) khẳng định việc đóng cửa biên giới là nhờ báo cáo "chi tiết và chính xác" của GW.
Một thành công khác của GW là chiến dịch nhằm phơi bày những mặt trái trong hoạt động khai thác kim cương ở châu Phi, thường được gọi là "kim cương máu". Vào năm 1998, GW công bố phúc trình "Giao dịch hỗn tạp - vai trò của các công ty và chính phủ trong cuộc xung đột Angola", mô tả vai trò của hoạt động mua bán kim cương quốc tế trong việc cung cấp tiền tài cho cuộc nội chiến ở Angola. Phúc trình này, cộng với nhiều nghiên cứu của GW về hoạt động sản xuất, buôn bán kim cương phi pháp ở châu Phi đã giúp họ đạt giải Nobel hòa bình năm 2003.
Trong các chiến dịch của mình, GW đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ rừng. GW mô tả rừng là "pháo đài cuối cùng chống lại biến đổi khí hậu", và nạn phá rừng khiến lượng CO2 toàn cầu thêm 12%. Vì vậy, chiến dịch đầu tiên của GW là về buôn bán gỗ lậu, và đến nay GW có rất nhiều đóng góp chống lại nạn phá rừng trên toàn cầu.
Chẳng hạn chiến dịch chống nạn buôn gỗ để lấy tiền tài cho cuộc nội chiến ở Liberia, buôn gỗ lậu từ Myanmar sang Trung Quốc… Ngoài giải Nobel hòa bình năm 2003, GW còn đoạt giải của tổ chức Gleitsman về các hoạt động quốc tế năm 2005 và giải Action Award năm 2007 của Trung tâm Phát triển toàn cầu/Tạp chí Foreign Policy.
Những nhân vật chủ chốt GW?
Đầu tiên đó là 3 vị đồng giám đốc kiêm đồng sáng lập viên, Charmian Gooch, Patrick Alley và Simon Taylor, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch đầu tiên của GW nhằm chống lại việc buôn lậu gỗ ở Campuchia để cung cấp tiền tài cho Khơ me Đỏ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng GW còn chịu ảnh hưởng của một nhà đầu tư "cá mập", tỷ phú George Soros.
Tờ The Mole của Myanmar, nước từng bị GW tố về nạn buôn lậu gỗ và tham nhũng, cho biết trong năm 2011, GW nhận 1,24 triệu bảng (39,6 tỷ đồng) từ quỹ Open Society Institute (OSI-một quỹ do Soros thành lập). Một nguồn tin khác cho biết năm 2012 vừa qua, tỷ phú George Soros đóng góp 40% ngân sách cho GW thông qua OSI.
Việc dính líu tới Soros khiến nhiều người nhìn GW bằng con mắt khác, vì Soros từ lâu nổi tiếng là một nhà đầu tư "kền kền", đã thực hiện nhiều phi vụ đầu tư tai tiếng. Nổi tiếng nhất là vụ đánh sập ngân hàng Anh những năm đầu thập niên 1990. Lúc đó, kinh tế Anh suy thoái, lạm phát cao gấp 3 lần Đức, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh vẫn muốn neo tỷ giá giữa đồng bảng Anh và đồng mark Đức.
George Soros đã tiến hành 1 cuộc tấn công cực lớn, bán khống mạnh đồng bảng Anh hòng phá tan việc neo tỷ giá bảng Anh - mark Đức, thu lời 1,1 tỷ USD chỉ sau 1 đêm. Sau "một số đêm nữa", Soros lãi tổng cộng 2 tỷ USD từ vụ đầu cơ này còn Bộ Tài chính Anh thiệt 3,4 tỷ bảng.