Tăng vốn ngoại cho ngân hàng yếu kém

Cho phép tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng thương mại yếu kém sẽ giúp đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nâng cao quản trị ngân hàng…

Dự thảo nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam do Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa soạn thảo đã đề cập khả năng nâng tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan tại một TCTD cổ phần yếu kém có thể vượt 30%. Điều này đang gây nhiều chú ý trong dư luận.

Kích thích dòng vốn ngoại

Theo quy định hiện nay, tỉ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không vượt quá 20% vốn điều lệ tại một TCTD. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không vượt quá 30% vốn điều lệ của một TCTD. Tại dự thảo này, trường hợp đặc biệt - đối với các NH thương mại yếu kém đang tiến hành tái cơ cấu, mức cho phép sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài có thể lớn hơn 30% và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Dự thảo cũng quy định nhiều điều kiện khá chặt chẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần sở hữu từ 10% vốn điều lệ một NH. Chẳng hạn, tổ chức tài chính nước ngoài đó phải được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên. Việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống NH, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống NH. Phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỉ USD nếu là NH nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài hoặc vốn điều lệ 1 tỉ USD đối với tổ chức khác…

Tăng vốn ngoại cho ngân hàng yếu kém - 1

Hiện nay, việc tìm vốn ngoại của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng việc để nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ NH trong nước, có quyền chi phối mạnh sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống NH, có nguy cơ tạo ra sự thâu tóm, độc quyền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đến năm 2016, khi Việt Nam hoàn toàn thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa ngành NH thì việc này sẽ phải thực hiện. Hiện Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập 100% NH nước ngoài, mở văn phòng đại diện, chi nhánh. Trong khi đó, tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bó hẹp làm khó khăn trong việc tìm đối tác chiến lược mạnh, khó huy động vốn từ nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc cho phép NH ngoại mua các NH thương mại yếu kém trong nước sẽ giúp một lượng vốn tự có lớn khoảng vài trăm triệu USD/NH bơm thẳng vào NH yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính, giúp giảm tỉ lệ nợ xấu. Khi đó, thanh khoản của NH nội được tăng lên, giảm cạnh tranh lãi suất huy động vượt rào…, giúp hệ thống NH trong nước có cơ hội hạ mặt bằng lãi suất huy động.

Nâng cao hiệu quả quản trị, công nghệ

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng việc các tổ chức nước ngoài được tăng tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần đối với NH yếu kém trong nước là thông tin tốt, góp phần tái cơ cấu các NH thương mại. Hiện nay, việc huy động vốn trong nước rất khó khăn nhưng ngành NH vẫn khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại. “NH nước ngoài sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ hiện đại với các chương trình quản trị rủi ro tiên tiến. Nếu NH ngoại tham gia HĐQT, có tiếng nói nhất định thì sẽ giúp HĐQT minh bạch hơn, báo cáo cập nhật hoạt động NH tốt hơn, thông tin sẽ được kiểm chứng, giám sát… tạo mức độ minh bạch cho NH nội. Hơn nữa, NH thương mại trong nước ít dám bỏ ra hàng triệu USD để làm dự án tái cơ cấu, trong khi NH ngoại sẵn sàng vì tài chính mạnh” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét: Tại một số NH, cơ cấu cổ đông nghèo nàn khi cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức thụ động và cổ đông gia đình chiếm đa số… sẽ gây ra tình trạng khó kiểm soát và dễ phát sinh lạm quyền, tham nhũng… Điều này ảnh hưởng đến người góp vốn và cả người gửi tiền, buộc NH Nhà nước phải ra tay cứu. “Khi có NH ngoại tham gia, phương thức quản trị doanh nghiệp sẽ được thay đổi căn bản, ít tình trạng lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng” - VAFI nhận xét.

Sở hữu 30% chưa đủ hấp dẫn?

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, hiện quy định một tổ chức tài chính nước ngoài đã có thể sở hữu 20% vốn điều lệ tại một NH thương mại, nay với NH yếu kém mức sở hữu có thể hơn 30% là vẫn chưa đủ hấp dẫn vì nội tại của NH yếu kém có quá nhiều vấn đề (nợ xấu, chất lượng tín dụng…).

Một trong những e ngại mà TS Lê Xuân Nghĩa đặt ra là các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh của ta còn yếu, kỷ luật chưa cao và kém minh bạch… sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút dòng vốn ngoại. Vì vậy, theo ông Nghĩa, ngay cả khi vốn ngoại rót vào không như kỳ vọng, quá trình cải cách ngành NH vẫn phải được thực hiện bởi đây là bước tiếp theo sau khi củng cố khủng hoảng, ổn định thanh khoản cho các NH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THÁI PHƯƠNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN