Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về đất đai

Hôm nay (19/11), trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ một lần nữa được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường, sau khi đã thảo luận tại tổ hôm 6/11.

Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ họp này, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (ngày 12/9) cũng đã dành nhiều thời gian đánh giá, xem xét dự luật này, bởi như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định, đó là một trong những dự luật có tầm quan trọng đặc biệt, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.

Điều đó đã cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc phải xem xét kỹ lưỡng và ban hành Luật Đất đai sửa đổi, với những quy định chặt chẽ, khoa học, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất của nước ta.

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về đất đai - 1
Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế

Cần nhắc lại rằng, sự cấp thiết của việc đổi mới chính sách pháp luật về đất đai đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định, với việc ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một cách khách quan, phải khẳng định rằng, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai.

Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Những hạn chế, yếu kém nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đòi hỏi phải bàn bạc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tập trung vào các nội dung “nóng” trong thực tiễn, như về quy hoạch sử dụng đất; cơ chế giao đất, cho thuê đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài ra, pháp luật đất đai cần quy định cụ thể điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, điều kiện nhà đầu tư được nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, về giá thuê đất giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Khuyến khích việc cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh và bền vững thị trường bất động sản; định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Chỉ khi tháo gỡ được các vướng mắc đang là nút thắt của chính sách pháp luật đất đai hiện hành như trên, thì Luật Đất đai sửa đổi mới phát huy được hiệu quả trong đời sống kinh tế xã hội. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hào (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN