Sau thí điểm, liệu có áp dụng đại trà bỏ giấy phép xây dựng?

Sự kiện: Kinh Doanh

Mới đây, thông tin về việc TP. HCM sẽ thí điểm bỏ thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn đã khiến hàng vạn người dân khấp khởi mừng vui. Nhiều ý kiến mong muốn điều này sớm được áp dụng đại trà và nhân rộng trong cả nước.

Thí điểm “cuốn chiếu” ở nơi có quy hoạch tỷ lệ 1/500

Theo đó, đối với việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng TP.HCM nghiên cứu thí điểm việc bỏ thủ tục cấp phép trên địa bàn thành phố. Người dân chỉ cần hoàn thiện hồ sơ và đăng ký xây dựng với cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng. Việc thí điểm chỉ áp dụng đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng…).

Đối với những khu vực đã được quy hoạch chi tiết, bài bản, người dân chỉ cần dựa vào đó để lập hồ sơ thiết kế, trình cơ quan chức năng thẩm định. Nếu đạt yêu cầu chất lượng, đúng quy định, người dân có thể triển khai xây dựng, không nhất thiết phải xin giấy phép xây dựng làm giảm thủ tục, tránh phiền hà, tiêu cực phát sinh.

Riêng về giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, UBND TP HCM đã thống nhất chủ trương và giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu thí điểm bỏ thủ tục cấp phép trên địa bàn TP, thay vào đó người dân hoàn thiện hồ sơ, chỉ cần đăng ký xây dựng với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Sau thí điểm, liệu có áp dụng đại trà bỏ giấy phép xây dựng? - 1

Nhà dân xây dựng trong khi có quy hoạch tỷ lệ 1/500 sẽ không phải xin giấy phép xây dựng. ảnh: t.g

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế về chủ trương này, thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 92.000 ha đất đô thị, trong đó chỉ khoảng 30.000 ha có quy hoạch tỷ lệ 1/500, và kết quả này phải mất 24 năm mới đạt được. Nguyên nhân của việc chậm trễ quy hoạch tỷ lệ 1/500 được Sở này giải thích là do cứ 5 năm phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 một lần, vì thế tỷ lệ 1/500 cũng phải được điều chỉnh theo. Vì vậy, trước mắt vấn đề này sẽ được tháo gỡ bằng việc thí điểm theo kiểu “cuốn chiếu”, nơi nào hoàn chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 thì làm trước. Theo đó, quận 7, TP. HCM sẽ triển khai thí điểm đầu tiên về việc bỏ cấp phép xây dựng.

Luật Xây dựng 2014 (tại Điều 89) đã bổ sung 06 trường hợp miễn giấy phép xây dựng so với Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, cụ thể: Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng; Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện diện sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng công trình được miễn GPXD vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Cụ thể như: Công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/ thiết kế bản vẽ thi công; Công trình xây dựng thuộc dự án được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định đầu tư. Vì vậy, việc hiện nay, TP HCM áp dụng quy định này là đi trước các tỉnh thành khác mà thôi.

Người dân mừng vui

Nhận xét về phương án giản lược thủ tục này của TPHCM, bạn Nguyễn Thanh Huê, phố Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “TP. HCM làm được điều này, dân bớt được một khâu nhiều mắc mớ, vướng víu, giảm không ít phiền hà, nhũng nhiễu. Khi đó, người dân xây dựng đúng thiết kế, đóng tiền đúng quy định, không cơ quan nào đến làm khó khi đang xây dựng nữa. Đó là ý nguyện của dân, mong TP HCM thí điểm rồi làm đại trà cho người dân được nhờ”.

“Không cần cấp phép xây dựng là chuẩn, chuyển sang hậu kiểm theo thiết kế quy hoạch dự án được phê duyệt. Chi phí xin cấp phép từ lâu vẫn khiến người dân sợ ngại vì vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực. Thời đại hiện nay, chỉ có giảm thủ tục xin - cho thì người dân mới hết bị hành, quan tham mới không còn đất sống. Tất cả cứ công khai rành mạch cho dân theo đó mà làm là người dân thấy dễ thở nhất. Ở Đà Nẵng các khu dân cư mới đã được UBND TP quy hoạch và bố trí tái định cư cho dân thì được miễn cấp giấy phép xây dựng (thực hiện cách đây hơn 10 năm) đối với các đường có mặt cắt ngang nhỏ hơn 10m. Mọi thứ diễn ra rất đúng đắn, các tỉnh khác cũng nên nhìn Đà Nẵng để học hỏi, làm theo”, anh Nguyễn Văn Tuyến phố Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy nhận xét.

Cũng có bạn tỏ ra ái ngại khi đặt câu hỏi rằng bỏ thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng phải lập hồ sơ trình lên chờ phê duyệt có khác gì trước đây? Trước đây xin phép chỉ 1 tờ giấy bản vẽ, nay nói bỏ thủ tục mà phải cầm 1 bộ hồ sơ với nhiều bản vẽ lên trình duyệt thì cũng là điều rất khó cho người dân? Nếu thực sự bỏ thủ tục xin phép thì người dân chỉ cần lên thông báo xây dựng, cán bộ đô thị xuống xác định mốc xây dựng và cao độ số tầng cho phép thực tế với chủ nhà bằng văn bản trước xây dựng. Việc này sẽ tránh cho chủ nhà xây dựng sai lộ giới và chiều cao. Trong quá trình xây dựng kiểm tra nếu phát hiện chủ nhà xây sai thỏa thuận thì được phép dừng thi công, xử lý vi phạm.

Vì những tiện ích của quy định này cùng với sự đồng tình ủng hộ của người dân, các cơ quan chức năng các tỉnh cần sớm áp dụng và nhân rộng để người dân được hưởng lợi từ những chính sách tiên tiến của Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Nên thay đổi một số quy định theo hướng đơn giản những thủ tục, trình tự để giảm gánh nặng hành chính cho người dân khi đi xin giấy phép xây dựng. Điều này, sẽ góp phần hạn chế tối đa những quy định dẫn tới việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lạm quyền để gây khó khăn cho dân trong thủ tục xin cấp GPXD. Đối với những công trình được miễn GPXD theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, quy định này là rất hợp lý. Bởi lẽ, đây là những công trình đã được thẩm định, kiểm duyệt, phê duyệt bởi những cơ quan chức năng có thẩm quyền để đảm bảo tính hợp pháp khi xây dựng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Huế - H.Anh (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN