PCI 2012: Cuộc bứt phá của các “toa tàu”

PCI 2012 đã mang đến thông điệp rằng cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh thành sẽ vẫn còn tiếp tục được duy trì trong nhiều năm tới...

Không phải những “đầu tàu” như Hà Nội hay Tp.HCM, chính những “toa tàu” phía sau đã cảm thấy cần phải cải thiện nhiều hơn cả để có thể sớm “bằng anh bằng chị” là hiệu ứng tích cực nhất từ những chương trình như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)!

Nếu không duy trì liên tục việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, việc tụt hạng trong bảng xếp hạng PCI là điều không tránh khỏi. PCI 2012 đã mang đến thông điệp rằng cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh thành sẽ vẫn còn tiếp tục được duy trì trong nhiều năm tới, khi lãnh đạo tỉnh nào cũng muốn để lại dấu ấn trên hành trang chính trị của mình.

Điểm nhấn đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ là địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư. Tiềm năng lớn nhưng những hạn chế, nhất là về hạ tầng, đã ngăn trở các nhà đầu tư tìm đến vùng này.

Nhưng sau khi kết quả PCI 2012 được công bố, nhiều người sẽ phải “nghĩ lại”. Lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu PCI, và song hành với Đồng Tháp, có đến 5 tỉnh khác nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu là An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh. Ngoài ra, còn phải kể đến tỉnh Hậu Giang hạng 11, Cần Thơ hạng 14 và Long An ở vị trí 16.

Những bứt phá tại các tỉnh này là rất đáng kể nếu so với năm 2011. Chẳng hạn, Vĩnh Long đã từ thứ hạng 54 nhảy lên vị trí thứ 5, trong khi Trà Vinh từ 42 lên 8, An Giang từ 19 lên 2, Bạc Liêu 39 lên 7, Hậu Giang 43 lên 11 và Kiên Giang 28 lên 6. Những bước nhảy vọt này đã phản ảnh một thực tế là các tỉnh thành này đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua.

PCI 2012: Cuộc bứt phá của các “toa tàu” - 1

Thành phố Cao Lãnh - thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2012.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh dẫn đầu chỉ số PCI năm 2012 cho biết kết quả PCI nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự điều hành hoạch định chính sách của tỉnh nhà.

Để có được vị trí số 1, Đồng Tháp đã quan tâm nhiều hơn tới công tác cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn lực bên trong và bên ngoài tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh phát triển và ngay cả khi đã là số 1, tỉnh này vẫn “cam kết sẽ có những điều chỉnh tốt hơn nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tại địa phương”.

Từng trải nghiệm cảm giác “tụt hạng”, đặc biệt là trong xếp hạng năm 2011, lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiểu rằng, trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nếu không cải thiện được về thể chế, thu hút đầu tư sẽ khó khăn như thế nào.

Phó chủ tịch tỉnh Long An, ông Phạm Văn Rạnh, thừa nhận nếu không nỗ lực liên tục, việc tụt hạng là khó tránh khỏi. Tuy vẫn giữ được vị trí trong top 20, nhưng việc tụt từ hạng 3 xuống hạng 16 là điều mà ban lãnh đạo Long An thấy “khó ăn khó nói”.

“Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm thực hiện cơ chế một cửa, theo đó đối với đầu tư vào khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua ban quản lý các khu công nghiệp, đầu tư ngoài khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua sở kế hoạch và đầu tư. Chúng tôi cũng sắp công bố quy hoạch chung của tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư và hy vọng đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút các nhà đầu tư mới”, ông Rạnh nói.

Tỉnh nhỏ trở mình

Nếu như khu vực đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận sự “bứt phá tập thể”, tại nhiều khu vực khác cũng chứng kiến những cú “trở mình” đầy ý nghĩa của những tỉnh vẫn thuộc diện nghèo và không có những điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Trường hợp của Ninh Thuận có thể coi là một điển hình. Nhảy từ hạng 46 lên 18 là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có việc thành lập và vận hành văn phòng phát triển kinh tế (EDO) trên cơ sở ý tưởng của công ty tư vấn Monitor và mô hình cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore.

EDO là đầu mối duy nhất của tỉnh trong vận động thu hút đầu tư, kể cả các nguồn vốn ODA, NGO; đồng thời tiếp nhận và xử lý các hồ sơ dự án đầu tư từ khâu đăng ký đầu tư ban đầu, đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư, với quan điểm là “phục vụ và để phục vụ”.

Các nhà đầu tư khi đến với Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai và các thủ tục liên quan khác để có thể triển khai dự án theo quy trình “một cửa liên thông”.

Cũng tại khu vực miền Trung, Bình Định cũng ghi điểm trong mắt nhà đầu tư với việc nhảy từ hạng 38 lên hạng 4, xếp vị trí cao nhất trong các tỉnh, thành của khu vực miền Trung. Trong đó, tiêu chí gia nhập thị trường có số điểm đạt tuyệt đối, đứng đầu cả nước.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, Thái Nguyên cũng là trường hợp đáng chú ý khi được xếp ở vị trí thứ 17, tăng 40 bậc so với năm 2011, đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc (chỉ sau tỉnh Lào Cai). Trong số 9 chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì tỉnh Thái Nguyên có 7 chỉ số được đánh giá cao hơn so với năm 2011, trong đó có 4 chỉ số tăng mạnh là: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, Thái Nguyên là một trong những tỉnh thành “nhiệt tình” nhất trong việc đề ra các kế hoạch hoạt động nhằm cải thiện các điểm số thành phần, từ đó cải thiện vị trí xếp hạng. Trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị ở đối thoại doanh nghiệp để trao đổi thông tin, giải đáp vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH MINH (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN