Công bố PCI 2012: Nhiều “ngôi sao” khựng lại
Hôm qua (14/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012. PCI năm nay cho thấy, có sự xáo trộn rất rõ rệt trong tốp dẫn đầu.
Nhiều “ngôi sao” khựng lại
PCI năm nay được khảo sát hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) trong nước và hơn 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bảng xếp hạng năm nay có không ít bất ngờ. Xếp vị trí số một là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai - tỉnh đứng đầu năm ngoái. Một lần nữa, Long An và Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước.
Bình Định và Vĩnh Long dù tụt hạng trong năm 2011 nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước đó. Mặt khác, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt. Hà Nội đã tụt từ vị trí 36 xuống 51 với 53,4 điểm. Trong khi đó, TP.HCM lại tiến bộ rõ rệt khi từ 20 vươn lên vị trí thứ 13 với 61,19 điểm. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 12, Bình Dương xếp vị trí thứ 19. Cao Bằng thoát khỏi vị trí cuối bảng, thay vào đó là tỉnh Điện Biên.
"So với nhiều năm trước, cải thiện lớn nhất là ở lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường cho DN mới. Tuy nhiên, đã không có cải cách nào đột phá trong PCI năm 2012. Thậm chí lo ngại về chi phí thời gian và thiết chế pháp lý bảo vệ DN còn sụt giảm. Cải cách đã chậm lại ở nhiều lĩnh vực như: Tính minh bạch, chi phí không chính thức và đào tạo lao động - được ghi nhận là cải thiện đôi chút thời gian qua”. Ông Đậu Ngọc Tuấn |
Theo đánh giá của báo cáo, chính quyền nhiều địa phương ở top dưới dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tiết kiệm thời gian cho DN như: Cải cách thủ tục hành chính, bớt nhũng nhiễu DN, giảm số lần thanh kiểm tra DN… nhưng vẫn còn tồn tại quá nhiều hạn chế như vấn đề tham nhũng, cải thiện thiết chế hành chính bảo vệ DN, tiếp cận đất đai...
Sự "khựng lại" của những "ngôi sao" đầu bảng xếp hạng PCI trước đây và tập trung quanh điểm số trung bình phần nào cho thấy sự lúng túng của các địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo PCI năm 2012 cũng nêu một số điểm đáng lo ngại. Theo các DN điều tra, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương năm qua thực sự sụt giảm. Không tỉnh nào vượt quá 65 điểm dành cho nhóm tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Hiện tượng này lần đầu xảy ra với chỉ số PCI. Sự sụt giảm này xuất phát từ tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh. Do phải chật vật để tồn tại nên các DN dễ cho rằng, nguyên nhân gây ra khó khăn là chính sách nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết, không có tỉnh, thành phố nào nằm trong nhóm rất tốt. Các tỉnh "ngôi sao" đang giảm dần. Năm 2011 có 1 tỉnh nằm trong nhóm tương đối thấp thì năm nay có tới 3 tỉnh là Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Doanh nghiệp ngày càng bi quan
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được quảng bá rộng rãi nhằm tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng-như việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng-tiếp tục được coi là một giải pháp trọng tâm. Song hầu kết các DN vẫn cảm thấy "chi phí không chính thức" gây không ít trở ngại cho hoạt động của họ.
Nhìn chung 42% DN đã cho biết phải trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011. Đáng nói là DN có tăng trưởng tốt lại có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn. Tỷ lệ tham nhũng cũng có xu hướng gia tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền...
Ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch VCCI cho biết, kết quả điều tra năm nay còn cho thấy tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng tiếp tục trong năm 2012. Cả DN trong nước và nước ngoài đều tỏ ra bi quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh. Sự lạc quan của DN đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, đặc biệt năm nay đã trượt dần từ mức 76% năm 2006 xuống còn 33% ở cả khối DN trong và ngoài nước. Năm 2012, hiệu quả hoạt động của DN cũng sụt giảm chưa từng thấy.
Chỉ 6,5% DN cho biết tăng quy mô đầu tư, 6,1% là tuyển thêm lao động. Ngay các tỉnh xếp vào hạng khá khá (xếp khoảng giữa) thì cũng chỉ có chưa đến 60% DN báo lãi, còn lại 21% DN báo lỗ. Đáng lo ngại cả quy mô đầu tư và lao động của DN đều sụt giảm. DN mở rộng đầu tư hay tuyển nhân viên giảm mạnh, từ 47% xuống còn 32%. Rõ ràng không chỉ tăng trưởng suy giảm mà vốn của khu vực tư nhân cũng sụt giảm...
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Lắng nghe góp ý của doanh nghiệp
Đứng thứ nhất là kết quả rất đáng mừng, không chỉ cho lãnh đạo tỉnh mà là cho doanh nghiệp, kết quả này sẽ tạo hiệu ứng kích thích chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp cùng doanh nghiệp để đưa kinh tế tỉnh nhà đi lên.
Chỉ số này có công rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, họ không chỉ đến Đồng Tháp để kinh doanh mà còn chia sẻ, góp ý cho chính quyền, cho lãnh đạo tỉnh trong công tác điều hành, chỉ cho chúng tôi thấy được những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Ngoài những buổi gặp thường kỳ, những cuộc họp, hội thảo... thì lãnh đạo tỉnh luôn tiếp doanh nghiệp bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp cần. Đối với những doanh nghiệp ít đến UBND tỉnh thì lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống gặp gỡ doanh nghiệp để tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng... xem họ khó khăn, thuận lợi ra sao; cơ chế của tỉnh đưa ra có phù hợp không... Từ đó, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh. Cái chung là vì sự phát triển của địa phương, nên mọi vấn đề trong khả năng, chức trách phải giải quyết sớm để doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Quan tâm đặc biệt đến khu vực nông thôn
Tỉnh An Giang đứng thứ 2 về chỉ số PCI chính là nhờ vào kết quả PCI của những năm trước đó. Cụ thể, những đánh giá của doanh nghiệp đối với công tác quản trị hành chính của tỉnh sẽ là căn cứ để chúng tôi tự điều chỉnh. Khi có kết quả về chỉ số năm 2011 (hạng 19 - PV), UBND tỉnh An Giang đã có đề án cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2012 - 2015.
Theo đó, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thân thiện, đưa An Giang vào trong "nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt", nằm trong thứ hạng tốp 10 của cả nước và tốp 5 so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những địa phương đi đầu về hiệu quả điều hành phát triển kinh tế.
Kết quả PCI năm 2012 sẽ là căn cứ để chúng tôi biết những điểm tỉnh còn yếu và tiếp tục cải thiện, sao cho doanh nghiệp cảm thấy an tâm khi đầu tư vào tỉnh An Giang, góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển đi lên. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế địa bàn nông thôn, đặc biệt là những vùng đặc biệt khó khăn.