Ông Trương Đình Tuyển: Nên bỏ lương tối thiểu, trả lương thỏa thuận

Sự kiện: Kinh Doanh

Lương tối thiểu chưa đủ sống cho người lao động, cần nghiên cứu bỏ lương tối thiểu… là những ý kiến trái ngược nhau đáng chú ý của các chuyên gia khi nói đến các vấn đề liên quan đến tiền lương và năng suất lao động.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, Việt Nam đang có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR dẫn chứng, mức tăng lương tối thiểu trong 10 năm qua ở Việt Nam có tốc độ tăng trung bình hai con số, giai đoạn  2007-2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%.

Cũng trong giai đoạn trên, mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn này tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Ông Trương Đình Tuyển: Nên bỏ lương tối thiểu, trả lương thỏa thuận - 1

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cần mạnh dạn nghiên cứu bỏ lương tối thiểu.

Vì thế, VEPR đưa ra khuyến nghị chính sách, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Hơn nữa, nếu coi tăng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ sẽ không phát huy được hiệu quả.

Trước quan điểm này của VEPR, các chuyên gia đã những đóng góp ý kiến thẳng. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng nghiên cứu vừa được công bố còn nhiều vấn đề phải xem xét. 

Theo ông, nhóm nghiên cứu đưa ra tiền lương tối thiểu tăng nhanh so với năng suất lao động. Vấn đề ở đây năng suất lao động được đề cập đến là năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp?

“Trong khi, tiền lương tối thiểu đang điều chỉnh trong khu vực công nghiệp buộc phải so sánh với năng suất lao động công nghiệp, không thể so sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội. Đây là so sánh khập khiễng”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, hiện đang có việc doanh nghiệp xây dựng hai hệ thống bảng lương. Trong đó, một bản lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó.

Do vậy, theo ông Chính cơ quan thuế và Bảo hiểm Xã hội cần có sự phối hợp với nhau để có thể xử lý được vấn đề này.

Mặt khác, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho hay, điều chỉnh tiền lương tối thiểu phụ thuộc vào các yếu tố tốc độ trượt giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá nhân công thị trường, khả năng chi trả của doanh nghiệp… nhưng phải tính yếu tố tăng thêm tiền lương tối thiểu do mức sống tối thiểu của người lao động chưa được đảm bảo.

“Điều 91, Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu nhưng khảo sát của Hội đồng tiền lương, Tổng Liên đoàn, Tổng cục Thống kê cho thấy đúng ra Điều 91 phải thực hiện từ năm 2013, nhưng lùi từ năm 2015 đến nay vẫn chưa đảm bảo được lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu. Còn khi tiền lương tối thiểu khiến người lao động đủ sống, hàng năm chỉ điều chỉnh vào chỉ số giá hay GDP vào khoảng 3-4% chứ không tăng 7-8% như bây giờ”, ông Chính nói.

Mặt khác, ông Chính cũng cho rằng, báo cáo nghiên cứu của VEPR và JICA có phần nghiêng về doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến người lao động. Bởi qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động tại một số khu công nghiệp nhận thấy, lương của hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng mỗi tháng là không đủ sống. 

Nêu ý kiến khác, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khi đề xuất tăng lương thường đưa ra lý do “người lao động không đủ sống”, nhưng nói “đủ sống” hay không rất khó. Bởi, đủ sống ở mỗi thời điểm là khác nhau. Bây giờ có thể là đủ nhưng mai kia thì chưa chắc.

Ông Tuyển còn cho rằng, nếu coi lương tối thiểu là công cụ bảo trợ xã hội là không đúng. Bởi trên thực tế, có khoảng 50% người dân không chịu tác động bởi lương tối thiểu.

Vì thế, theo ông Tuyển các cơ quan chức năng cần mạnh dạn bỏ lương tối thiểu, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Để làm sao doanh nghiệp họ thấy trở nên cạnh tranh hơn thì họ sẽ tự nguyện tăng lương cho người lao động.

Ngoài ra, theo ông Tuyển nhóm nghiên cứu VEPR và JICA cũng cần nghiên cứu rõ hơn việc tác động tăng lương thì có tác động đến tăng năng suất lao động như thế nào để bổ sung vào báo cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN