Những thách thức của kinh tế Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp mới chỉ tham gia những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là lắp ráp, gia công. Các chuyên gia nói phải giải quyết nhiều đầu việc quan trọng, kinh tế Việt Nam mới có thể bứt phá.

Đây là những cảnh báo đưa ra tại Hội thảo giới thiệu báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ-tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội.

300 DN đủ năng lực

Dẫn báo cáo của VCCI về hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Việt Nam đang ngày tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng đến nay mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng. “Nhưng đây lại là các DN  thuộc chuỗi cung ứng thay thế chứ không phải sản xuất. Trong số các DN  tham gia chuỗi cung ứng, chỉ có 2% là DN  lớn, 2-5% là DN  vừa, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, rất ít DN  kết nối được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”, ông Hải thông tin thêm.

Khẳng định 2 báo cáo liên quan đến kinh tế vĩ mô và DN Việt được đưa ra lần này vào đúng thời điểm quan trọng với kinh tế Việt Nam, ông Ousmane Dion, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng vì mới chỉ tham gia vào chuỗi hoạt động cuối cùng. Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam sẽ đi theo con đường nào trong chuỗi giá trị để đem lại giá trị cao hơn.

Những thách thức của kinh tế Việt Nam - 1

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi công nghệ tạo các sản phẩm công nghệ cao. Ảnh: Như Ý.

Dẫn những kinh nghiệm quốc tế, ông Dion cho rằng, dù được xếp vào danh sách các quốc gia thu hút FDI tốt nhưng Việt Nam cần thay đổi để có những tác động lan tỏa hơn. Trước mắt, Việt Nam cần xây dựng các chính sách để thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong nước nhằm tạo tác động lan tỏa, vươn lên trong chuỗi giá trị gia tăng.

Việt Nam sẽ phải thực hiện một lộ trình với 11 hành động cụ thể với những lựa chọn khó khăn trong việc tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu vừa phải ở mức làm gia công, lắp ráp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và tham gia các công đoạn giá trị gia tăng cao hơn. Đây là ý kiến của các chuyên gia WB.

“Phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và theo ngành dọc ở các ngành cụ thể. Các biện pháp không nên được triển khai riêng lẻ mà cần phải có một nghị trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh”, ông Charles Kunaka, Chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh của WB nói.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc phải có các chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng ưu tiên đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có sự thay đổi lớn về hệ thống giáo dục, tư duy lại về công nghệ cao, quốc tế hóa giáo dục, thúc đẩy giảng dạy chính khóa về kỹ năng kinh doanh mềm. Với DN, cần tập trung nâng cao vị thế sản phẩm và kéo dài chuỗi giá trị toàn cầu của DN.

Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ thống khởi nghiệp năng động, thu hút cộng đồng kiều bào, giảm rào cản tăng trưởng với các DN khởi nghiệp…Việc phát triển cơ sở công nghiệp phụ trợ trong nước, cải thiện dịch vụ hậu cần vận tải, đơn giản hóa các quy định về ngoại hối cũng như thực hiện cải cách DN Nhà nước…cũng là những khuyến nghị được đưa ra.

Tạo môi trường thuận lợi

Theo báo cáo của WB, để thoát khỏi tình trạng làm gia công hiện nay, Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ các DN trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo, có tiềm năng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”. “Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các DN trong nước sẽ tạo điều kiện cho họ kết nối với các DN FDI và vươn ra thị trường quốc tế”, báo cáo của WB khuyến nghị. 

Báo cáo của WB cũng đưa ra một số khuyến nghị và một gói sáng kiến cải cách toàn diện để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Theo đó, Việt Nam cần cải thiện sự phối hợp giữa các bộ  ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa DN trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Cụ thể, trước mắt cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông. Đồng thời phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch. Báo cáo của WB cũng khuyến nghị Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.

“Việt Nam đang đứng trước cửa sổ cơ hội nhưng cửa sổ này đang thu hẹp nhanh. Để vượt lên, Việt Nam cần thúc đẩy công nghệ, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo để bước cao hơn trong chuỗi giá trị”.

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thục Quyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN