Nhiều DN dùng hoá chất làm tăng độ đạm cho cá, gia cầm, gây bệnh thận cho người
Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản về thực trạng sử dụng hoá chất trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, Bộ NN&PTNT cho biết, qua việc thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp bán thức ăn chăn nuôi trộn chất cấm
Tuy nhiên, việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.
Để có cơ sở khoa học tham mưu cho Bộ NN&PTNT quản lý chặt chẽ các chất trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi, Bộ yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Việt Thú y, Viện Chăn nuôi có ý kiến về ba chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide.
Cụ thể về tác dụng của các chất này đối với vật nuôi và mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người khi sử dụng sản phẩm động vật chứa chất này.
Các đơn vị trên cũng cần làm rõ trên thế giới, có những nước nào cho phép sử dụng và cấm sử dụng các chất trên. Ý kiến gửi về Bộ trước ngày 25/12/2017.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đảm bảo không sử dụng các chất trên, thẩm định và chỉ định Phòng kiểm nghiệm đối với chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide phục vụ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Nghiên cứu đề xuất việc đưa các chất trên vào danh mục chất cấm sản xuất, kinh doanh trong thức ăn chăn nuôi nếu đủ cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi.