Ngân hàng sau sáp nhập: Bứt phá và rào cản

Quá trình tái cơ cấu sau hợp nhất, sáp nhập còn là một bài toán lớn, song các ngân hàng vẫn kỳ vọng nhiều vào sự bứt phá.

Kỳ vọng nhiều…

Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đang chịu sức ép lớn trước chủ trương đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai. Tuy nhiên, các ngân hàng này đặt kỳ vọng khá lớn vào thành công sự sau tái cấu trúc.

Ngân hàng hợp nhất giữa Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) là một điển hình. Với đề án hợp nhất sẽ được trình cổ đông tại kỳ đại hội thường niên vào ngày 16/3 tới, ngân hàng hợp nhất kỳ vọng sau hợp nhất sẽ duy trì mức vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng (hợp nhất từ 3.000 tỷ đồng của Western Bank và 6.000 tỷ đồng của PVFC) và tăng lên 12.000 tỷ đồng vào năm 2015 để đảm bảo sự phát triển liên tục và đạt tỷ lệ an toàn vốn tối ưu.

Ngân hàng sau sáp nhập: Bứt phá và rào cản - 1

Những ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập sẽ có tham vọng bứt phá và rào cản

Tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đến năm 2015 dự kiến đạt 235.000 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt 2.138 tỷ đồng trong năm nay, 2.708 tỷ đồng năm 2014 và 3.473 tỷ đồng năm 2015.

Trường hợp khác, với tỷ lệ đồng thuận trên 90%, phương án nhân sự quản trị cấp cao đã được đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) nhất trí thông qua trong kỳ đại hội bất thường diễn ra vào trung tuần tháng 2/2013, với tỷ lệ góp vốn xấp xỉ 12% của cổ đông chiến lược là Tập đàn Thiên Thanh. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc TrustBank.

HĐQT TrustBank cho biết, Ngân hàng sẽ có những định hướng phát triển mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu, để tiến tới mục tiêu chuyên biệt hóa dịch vụ ngân hàng mang tính chất đặc thù.

… song không dễ thực thi

Tham vọng phát triển của các ngân hàng sau hợp nhất và tái cơ cấu là rất lớn, song không dễ thực thi, bởi còn rất nhiều vấn đề cần xử lý. Chẳng hạn, đối với ngân hàng hợp nhất giữa Western Bank và PVFC, ngoài những khó khăn nội tại của Western Bank, thì PVFC còn phải xử lý 2 khoản nợ xấu  đối với Vinashin, Vinalines.

Từ thực tế đó, PVFC đề nghị NHNN cho phép không tính hai khoản nợ trên vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất để có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình. Bên cạnh đó, PVFC còn đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ thực hiện giảm vốn theo lộ trình trong điều kiện đảm bảo được sự ổn định và phát triển an toàn của PVFC cũng như ngân hàng hợp nhất sau này..

Ngoài ra, PVFC và Western Bank cũng đề xuất được NHNN hỗ trợ cho vay từ nguồn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng hợp nhất và tạo nguồn vốn để ngân hàng này có thể phát triển mảng tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu...

Những đề nghị trên không dễ được đáp ứng, bởi một trong những nguyên tắc hợp nhất là ngân hàng mới sau hợp nhất sẽ phải tiếp nhận, thực thi và chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính do các bên đã xác lập trước đó.

Trong khi đó, Western Bank cũng là ngân hàng nhỏ, đi lên từ nông thôn và từng rơi vào cảnh thiếu thanh khoản. Kết quả kinh doanh năm 2012 của Western Bank (chưa hợp nhất), chưa kiểm toán cho thấy, tổng tài sản đạt 15.153 tỷ đồng, huy động vốn đạt 10.982 tỷ đồng, cho vay, đầu tư 7.134 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 64 tỷ đồng.

Trên thực tế, không phải ngân hàng nào sau hợp nhất cũng có thể gặt hái thành công. Chẳng hạn, Ngân hàng hợp nhất SCB (sau một năm hợp nhất từ SCB, Ficombank, TinNghiaBank) đã có nhiều chuyển biến tích cực về thanh khoản cũng như việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, lợi nhuận trước thuế của SCB chỉ đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng.

Đánh giá quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, đến nay, về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã khá ổn định, thanh khoản không còn là nguy cơ lớn. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu một phần nợ xấu bằng cách giãn nợ, khoanh nợ bằng sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 4%. Phần còn lại khá lớn, theo ông Nghĩa, sẽ phải xử lý bằng nhiều cách, trong đó việc thành lập công ty mua bán nợ có ý nghĩa quyết định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh (Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN