Ngân hàng lãi “khủng” trên giấy

Từ đầu năm đến nay, tổng tín dụng ngừng lại mà lãi suất ngân hàng vẫn tăng. Theo chuyên gia tài chính Bùi KiếnThành, “Có 2 lý do: Lãi suất tăng lên và ngân hàng thương mại (NHTM) phạt doanh nghiệp (DN) thêm 50% lãi suất gốc”.

* Dư luận đang quan tâm đến con số 91.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2011 của 71 NHTM, tăng gần 45% so với 2010. Theo ông, bản chất mức lợi nhuận này là gì?

- Nợ xấu không đòi được, các NHTM cũng không trích lập dự phòng rủi ro nên mới có số tiền lãi lớn như vậy. Quý I năm 2012 nợ xấu tăng kinh khủng, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói lên tới 10%, gấp 3 lần cả năm 2011 thì các NHTM không thể có lãi mà còn lỗ hết vốn tự có.

Lợi nhuận của các NHTM những năm qua lớn là do hệ thống NH giấu phần nợ xấu, không báo cáo, bởi nếu báo cáo cái đó sẽ trừ vào chính lợi nhuận của NH. Vì vậy, các NHTM không khai báo lỗ, không báo đã mất tiền. Nhưng vẫn đề nằm ở chỗ, trong số 97.000 tỷ đồng này, có bao nhiêu phần trăm nợ xấu mà các NHTM đã cố tình giấu?

* Trong quý I, nợ xấu tăng khủng khiếp, theo ông, đâu là nguyên nhân?

- NHTM thường làm hợp đồng vay nợ cho DN, trong đó nêu rõ, nếu quá hạn DN không trả được sẽ bị phạt 150% ngoài tiền lãi suất gốc. Ví dụ, DN hợp đồng vay với lãi suất 20%, đến hạn không trả kịp sẽ bị cộng thêm 10% (tiền phạt 150% của tiền lãi gốc), cho nên lãi của NH đã nhảy lên mức 30%. Như vậy, không cần cho vay tiếp, NH vẫn lãi 50%. Vì vậy, mặc dù quý I tín dụng tăng trưởng âm, NHTM vẫn lãi “khủng”, nhưng đây chỉ là lãi trên giấy.

Ngân hàng lãi “khủng” trên giấy - 1

Các NHTM làm lãi ngất ngưởng từ việc phạt DN lãi suất 150%. (Ảnh minh họa).

* Tổng cục Thuế xác định, quý I có 70% trong số 280.000 DN được khảo sát bị thua lỗ. Theo ông, trong bối cảnh đó các DN có tiền để trả lãi và phạt cho NH không?

- Trên giấy tờ, các NHTM làm lãi ngất ngưởng từ việc phạt DN lãi suất 150%, nhưng thực tế họ đã “giết con gà đẻ trứng vàng”. Lãi suất cao, cộng phạt 150%, cùng đường DN vẫn phải vay nhưng các NHTM không thể thu được vốn, thu được lãi suất và tiền phạt. Bởi lãi suất cao, sản xuất đình đốn, DN “chết” không có tiền trả gốc chứ đừng nói đến lãi gốc hay tiền phạt.

Như vậy, trong 97.000 tỷ đồng này giả sử có 60.000 tỷ đồng là lãi suất không thu được thì NH phải trừ vào lợi nhuận thật của mình. Thành ra con số NH đẩy lên cao chừng nào sẽ rớt xuống kinh khủng chừng ấy.

* Theo ông, phần vốn gốc bao nhiêu trong 97.000 tỷ đồng tiền lãi này?

- Tạm tính, trong 97.000 tỷ đồng tiền lãi có 20% lãi từ vốn gốc thì vốn gốc khoảng 500.000 tỷ đồng, đó là nợ xấu. Bây giờ, khớp các con số với nhau: Theo báo cáo của NHNN, tổng dư nợ là 2.700.000 tỷ đồng, trong đó 10% nợ xấu là 270.000 tỷ đồng và 20% gốc là 540.000 tỷ đồng.

NHTM nói lãi 97.000 tỷ đồng, nhưng thực tế nợ xấu của anh đã lên đến 540.000 tỷ đồng, gấp 5 lần và nó không dừng tại đấy, bởi con số DN “chết” tiếp tục tăng và nợ xấu sẽ không dừng ở 10%, nó sẽ tăng lên 20%, thậm chí là cao hơn.

* Có ý kiến cho rằng, NHNN nên mua lại nợ xấu cho các NHTM. Theo ông, cách này có giải quyết được vấn đề?

- Không có chuyện Chính phủ lấy tiền thuế của dân để mua nợ xấu của NHTM. Cũng không có chuyện các NHTM cho vay, không quản lý được rủi ro, nâng lãi suất lên cao, làm ra một đống nợ xấu rồi đề nghị Chính phủ mua nợ xấu bằng giá nợ không xấu.

Chính phủ không có bổn phận phải mua nợ xấu của NHTM bởi Chính phủ không buộc NH đẩy lãi suất lên cao, cũng không bắt NH phải cho DN nào vay - trừ những NHTM của Nhà nước mà Chính phủ chỉ đạo cho vay là chuyện khác, điều này là không hợp lý.

Bây giờ, việc có 500 hay 1 triệu tỷ đồng nợ xấu là trách nhiệm của NHTM. Chúng ta có quy định luật pháp về hoạt động của các tổ chức tín dụng, Nhà nước cần áp dụng luật pháp buộc các NH này phải giải quyết.

Chính phủ cần truy trách nhiệm các hội đồng quản trị, giám đốc và những cổ đông lớn các NHTM trong việc đẩy lãi suất lên, giám định dự án không tốt, cho vay sai đối tượng, làm tăng nợ xấu, gây hậu quả nghiêm trọng cho DN và nền kinh tế.

* Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN