“Nên mạnh dạn cho NH yếu kém phá sản”

“Việc không để tổ chức tín dụng nào phá sản khiến các tổ chức tín dụng dễ “làm bừa”, vấn đề được nêu ra tại hội thảo “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: cơ hội vốn cuối năm 2012” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm qua, 20/9, tại Hà Nội.

Nghịch lý lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng thấp

Theo số liệu đến ngày 30/8/2012, tổng hợp của 69 tổ chức tín dụng (TCTD), chiếm 90% thị phần tín dụng, thì dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 5,4%; mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 20,1%; mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22,7%, giảm khoảng 71% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012 và giảm thêm 1,9% so với ngày 16/8/2012).

Theo TS Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính, NH, cả ngành NH hiện đang tích cực tìm khách hàng và hạ lãi suất để bơm vốn, cứu DN, tức là để tự cứu mình. Lãi suất các khoản vay mới, kể cả các khoản vay cũ đang giảm xuống một cách khách quan theo đà giảm lạm phát và theo sức ép bởi sự trì trệ của nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân toàn thị trường tín dụng có thể sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức “9+2,5”%/năm và tới “8+2,5”%/năm.

Tức là xuống mức giới hạn bởi lãi suất huy động và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, theo TS Lai, phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ và/hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn “giẫm chân” xung quanh mức cũ.

“Nên mạnh dạn cho NH yếu kém phá sản” - 1

Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, nếu tái cơ cấu không đạt yêu cầu cần mạnh dạn cho phá sản.

Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt 1,82%, rất xa so với chỉ tiêu 8- 10% của cả năm.

Theo Ths. Lê Văn Hinh (NHNN), các động thái của DN gần đây cho thấy, rất nhiều DN Việt Nam chờ mong vào các gói cứu trợ từ Nhà nước và thúc giục lãi suất cho vay giảm thật nhanh. Nhưng nếu “ép“ lãi suất giảm xuống quá nhanh và thấp hơn mức cân bằng của thị trường thì cũng đồng nghĩa với giải pháp tập trung nguồn vốn của xã hội cho DN (như thời kỳ chính sách lãi suất thực âm).

Cách thức này sẽ duy trì được sự tồn tại của DN nhưng họ sẽ lại đi theo đường cũ là đầu tư dễ dãi và như vậy đồng vốn xã hội có thể càng kém hiệu quả. Do đó, giải pháp giảm lãi suất ở Việt Nam trong thời gian tới cần thiết đi đôi với cải cách mạnh mẽ cung cách kinh doanh ở DN (năng lực lập dự án kinh doanh, quản trị rủi ro, vấn đề quản trị công ty…) và đồng thời với cải cách, cơ cấu lại hệ thống NH; cải cách các tập đoàn kinh tế….

Hạn chế tối đa tình trạng ngân hàng lách luật cho vay “sân sau”

“Giải pháp vốn cho DN trong thời gian tới không nên thực hiện theo cách thức quá dễ dàng. Các nguyên lý và thực tế cho thấy, quá dễ dàng với nguồn lực tài chính như giảm lãi suất quá nhanh, hạ thấp điều kiện tín dụng quá mức hay rải tiền, tưởng như cứu DN trong ngắn hạn nhưng trong trung hạn lại để lại hệ lụy là áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô lại đe dọa chính DN” – ông Hinh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Lai cho rằng, nên sớm xem xét thực hiện lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất ở thị trường 1. Nếu buộc phải sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp lãi suất thì nên là ngắn hạn và chỉ áp “hành chính” ở lãi suất cho vay, nhưng là hành chính mềm. “Đừng lo bỏ trần các NH sẽ chạy đua lãi suất. Có chạy đua lãi suất mới biết TCTD khỏe hay yếu”- ông Lai phát biểu.

Mặt khác, nhà nước cần cơ chế xóa bỏ, quản lý thật chặt các hình thức sở hữu chéo giữa NH và DN, hạn chế tối đa tình trạng lách luật “vô tư” cho vay với các công ty con, sân sau, dễ phát sinh tiêu cực, rủi ro cao trong hoạt động NH, sử dụng vốn sai mục đích.

Việc không để TCTD nào phá sản khiến các TCTD dễ “làm bừa”, do đó đối với các TCTD yếu kém nếu tái cơ cấu không đạt yêu cầu cần mạnh dạn cho phá sản, chỉ bảo vệ người gửi tiền và cổ đông bằng nguồn thanh lý tài sản TCTD, đồng thời để Công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vào cuộc với sự giám sát chặt của NHNN. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Thanh (Pháp luật Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN