Mỹ - Thiên đường thuế bí mật

Địa chỉ một tòa nhà ở trung tâm TP Wilmington, bang Delaware - Mỹ đã được dùng để đăng ký hoạt động của hơn 250.000 doanh nghiệp khắp thế giới vài năm qua

Minh bạch và cải cách là 2 từ được giới lãnh đạo các nước và tổ chức tài chính thế giới nói đến nhiều nhất sau vụ rò rỉ thông tin của Công ty Luật Mossack Fonseca (Panama), từ đó phơi bày một mạng lưới công ty bình phong bí mật ở nước ngoài bị sử dụng để che giấu tài sản, trốn thuế và rửa tiền. Hàng trăm nhân vật quyền lực, giàu có đã bị nêu tên trong cuộc điều tra dài hơi “Hồ sơ Panama” của giới truyền thông quốc tế.

Bịt lỗ hổng

Tại cuộc gặp với người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 5-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những gì được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama” đã nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của sự minh bạch. Trong khi đó, Chủ tịch WB Jim Yong Kim gọi đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế đẩy mạnh truy tìm cách thức di chuyển của các dòng tài chính bất hợp pháp.

Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục và làm mạnh hơn nữa các biện pháp cải cách được bắt đầu từ giai đoạn 2010-2011 nhằm làm trong sạch hệ thống tài chính quốc tế.

Mỹ - Thiên đường thuế bí mật - 1

Tòa nhà văn phòng đặt trụ sở của Công ty Dịch vụ Doanh nghiệp M.F. (Nevada) Limited tại TP Las Vegas Ảnh: MCCLATCHY/TNS

Trong phản ứng đầu tiên về vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5-4 nhận định “Hồ sơ Panama” là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới cần tăng cường trấn áp những cá nhân, doanh nghiệp đang tìm cách trốn thuế. Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi cải cách thuế toàn cầu, đồng thời thúc giục quốc hội Mỹ bịt những lỗ hổng pháp lý cho phép doanh nghiệp sáp nhập với một công ty nước ngoài rồi chuyển trụ sở ra bên ngoài đất nước để giảm bớt gánh nặng về thuế.

Theo trang The Hill, lời kêu gọi của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ ban hành một loạt quy định mới nhằm hạn chế kiểu sáp nhập nói trên.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét “Hồ sơ Panama” để tìm kiếm bằng chứng tham nhũng hoặc vi phạm luật pháp nước này. Báo USA Today dẫn thông tin của Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) cho thấy Mossack Fonseca đã giúp thành lập gần 1.100 công ty tại Mỹ từ năm 2001. Đáng chú ý, Công ty Dịch vụ Doanh nghiệp M.F. (Nevada) Limited đã thành lập phần lớn doanh nghiệp nói trên (1.026 công ty) tại bang Nevada, nơi họ đặt trụ sở. Ông Matthew Gardner, Giám đốc điều hành Viện Thuế và Chính sách Kinh tế (Mỹ), nhận xét số công ty này đang sử dụng các cơ chế tránh bị truy tố hoặc phát hiện.

Quy định lỏng lẻo

Thông tin trên có thể khiến người ta không còn ngỡ ngàng trước nhận định của báo The Washington Post hôm 5-4. Theo đó, Mỹ đã trở thành một trong những thiên đường thuế lớn nhất thế giới. Tờ báo này chỉ ra một trường hợp khiến nhiều người giật mình: Địa chỉ một tòa nhà ở trung tâm TP Wilmington, bang Delaware đã được dùng để đăng ký hoạt động cho hơn 250.000 doanh nghiệp khắp thế giới vài năm qua, giúp họ hưởng lợi từ những luật lệ ưu đãi dành cho doanh nghiệp của địa phương. “Chúng tôi thường nói Mỹ là một trong những nơi dễ lập công ty bình phong nhất thế giới” - ông Mark Hays, cố vấn cấp cao của tổ chức phi chính phủ Global Witness, nhận định.

Trong khi đó, Mạng lưới Công lý Thuế (TJN) xếp ngành công nghiệp bình phong Mỹ đứng thứ 3 thế giới về sự bí mật và quy mô của các công ty, chỉ thua Thụy Sĩ và Hồng Kông. Một cuộc nghiên cứu năm 2012 cũng ghi nhận Mỹ có quy định lỏng lẻo hàng đầu thế giới về vấn đề lập công ty bình phong.

Một phần lý do khiến Mỹ trở thành một thiên đường thuế bí mật là nước này chưa ký các thỏa thuận toàn cầu bắt buộc công ty bình phong tiết lộ chủ sở hữu thật sự. Ngoài ra, ông James Henry, một cố vấn của TJN, chỉ ra nguyên nhân khác: Kể từ thập niên 1990, các bang ở Mỹ cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút doanh nghiệp bằng cách cung cấp những hậu đãi (thuế, tính bí mật…) không thua kém các thiên đường thuế truyền thống.

Hiện chưa rõ bom tấn “Hồ sơ Panama” có giúp thay đổi thực trạng trên hay không. Trong lúc này, ngày càng có nhiều nước thông báo tìm hiểu hoặc điều tra. Tại Nga, văn phòng tổng công tố cho biết sẽ kiểm tra thông tin một số nhân vật nổi tiếng đang hưởng lợi từ công ty bình phong ở nước ngoài để xác định xem liệu có ai phạm pháp. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói sẽ lập một ủy ban tư pháp độc lập để điều tra xem gia đình ông có dính líu đến hoạt động đầu tư trái phép ở nước ngoài hay không. Riêng chính phủ Pháp còn quyết định đưa Panama quay lại danh sách các nước không hợp tác trong vấn đề chống trốn thuế, theo đài BBC.

Chính phủ Canada cũng tìm kiếm bản sao nội dung “Hồ sơ Panama” để điều tra. Đáng chú ý, tờ Toronto Star cho hay một người Canada gốc Việt bị nêu tên trong tài liệu là Eric Van Nguyen. Nhân vật này cùng 7 người khác bị buộc tội lừa các nhà đầu tư 290 triệu USD tại TP New York - Mỹ năm 2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN