Mập mờ lãi suất 12%

Tấm biển thông báo lãi suất huy động trước cửa một số ngân hàng ghi lãi suất cao nhất đến 12,8%/năm gây sự chú ý, nếu đó là lãi suất huy động thì tại sao lại cao vượt trần, và nếu là lãi suất cho vay thì rẻ đến… không tưởng.

Có tiền, “mặc cả” lãi suất

Sự ngỡ ngàng của mọi người là có cơ sở, bởi từ giữa tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin rộng rãi việc cắt giảm mạnh trần lãi suất huy động từ 11%/năm xuống 9%/năm. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 4 trong vòng 3 tháng qua, trần lãi suất từ 14% được cắt giảm xuống mức 9% hiện tại. Tiếp theo đợt cắt giảm lần thứ 5 ngày 29/6, ngân hàng nhà nước lại tiếp tục cắt giảm các mức lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý ngành ngân hàng lại hé một khe cửa cho các nhà băng, đó là thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn dài, trên 12 tháng. Các ngân hàng đã ngay lập tức tận dụng cơ hội này và lãi suất đã nóng lên trong vòng hai tuần qua, và không ngân hàng nào muốn chậm chân trong cuộc đua lãi suất kỳ hạn dài nhằm hút tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn dài vì thế thiết lập mặt bằng 12%, từ mức trần 9% chỉ cách đây 2 tuần, và được các ngân hang trưng ra mặt tiền câu khách.

Tại Techcombank, theo thông báo mới nhất áp dụng từ hôm nay 5/7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 12,2%/năm, các kỳ hạn dài hơn là 11%. Cách đây hơn 2 tuần, ngân hàng này chỉ áp dụng mức 9,5% cho 12 tháng và cao nhất là 9,8% cho 13 tháng. Còn tại ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) cũng nâng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 11%.

Các mức lãi suất không thống nhất và có sự chênh lệch, nên lại tái diễn tình trạng “mặc cả” tại các ngân hàng, nếu khách hàng gửi số tiền lớn từ hàng trăm triệu đồng trở nên, có thể nhận được các mức khuyến khích cao hơn biểu lãi suất công bố. Đã có thông tin khách hàng có thể được hưởng lãi suất lên đến 13,5%/năm, tùy thuộc số tiền gửi.

Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, Agribank… cũng không hề chậm chân trong cuộc đua mới nhen nhóm này, khi nâng lãi suất huy động lên 11 – 12%/năm. Riêng ngân hàng BIDV vẫn giữ lãi suất kỳ hạn dài là 10%/năm.

Châm ngòi cuộc đua lãi suất mới phải kể tới cái tên Western Bank với việc đưa đỉnh lãi suất lên 14% kỳ hạn 13 tháng, nhưng sau 4 ngày đã giảm về 12,5%/năm.

Vấn đề không lành mạnh ở đây là chuyện gửi dài… lĩnh ngắn, hợp đồng thì kỳ hạn dài, nhưng nếu rút trước hạn, tức là kỳ hạn thực tế ngắn, khách hàng vẫn được giữ nguyên mức lãi suất cao. Một số ngân hàng triển khai một số sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt, tiền gửi lãi suất bậc thang áp dụng cho kỳ hạn gửi tiền thực tế. Nếu khách hàng có số tiền nhàn rỗi trên 1 tỷ đồng, họ không dại gì lượn một vòng qua vài ngân hàng và đàm phán để được hưởng mức lãi suất cao hơn khá nhiều so với biểu công bố chính thức.

Mập mờ lãi suất 12% - 1

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trưng biển lãi suất tiết kiệm 12%/năm

Ngân hàng cũng không dư giả

Từ đầu năm 2012, lãi suất được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước định hướng giảm nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tình trạng ứ đọng vốn trong các ngân hàng đã xảy ra khi 6 tháng qua, tín dụng vẫn ở mức tăng trưởng âm khoảng 2%, đây là một điều bất thường khi các năm qua tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao, 20 – 30%/năm.

Ngân hàng rất muốn đẩy tiền ra để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng tìm được khách hàng tốt giờ đây không phải dễ, khi sản xuất đình đốn, doanh nghiệp khó khăn, số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, tạm dừng hoạt động liên tục tăng nhanh. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, cả nước có 26.324 doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia từng phát biểu trong một hội thảo đề tài gỡ vốn cho thị trường bất động sản hồi tháng 6, theo ông, hiện nút thắt chung của nền kinh tế cũng như dòng vốn của bất động sản nằm ở nợ xấu. Vì nợ xấu mà ngân hàng chờ doanh nghiệp mang đồng vốn lưu động để trả vào ngân hàng, rồi sau đó ngân hàng không cho vay lại. Cũng vì nợ xấu mà ngân hàng dù có tiền nhưng không dám cho vay, dẫn đến cửa chết với doanh nghiệp.

Hiện tại, Chính phủ đã giao cho ngân hàng Nhà nước đứng ra giải quyết nợ xấu. Số nợ xấu dự kiến sẽ được xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng.

Về lý mà nói, khi không cho vay được, tiền ứ đọng trong ngân hàng, thì các nhà băng không dại gì chạy đua huy động vốn. Việc lãi suất thực tế bị đẩy lên trong hai tuần qua, chứng tỏ các nhà băng cũng chẳng dư giả gì. Cũng có thể họ đón đầu xu hướng tăng mạnh tín dụng sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm, cùng với tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN