"Màn ảo thuật" của ETF tại Việt Nam
Âm thầm gom cổ phiếu, bất ngờ trao tay cổ phần…đưa nhiều đại gia lên đỉnh cao nhưng cũng đẩy nhiều doanh nghiệp trắng tay… là nhiều trong những hoạt động "đáng gờm" từ các quỹ đầu tư ETF tại Việt Nam.
Bỗng dưng một đại gia lạ hoắc nghiễm nhiên có một ghế trong Hội đồng quản trị của một Tập đoàn, thì đó chỉ có thể là nhờ bàn tay của các quỹ ETF- một xu hướng đang nở rộ tại thị trường tài chính Việt.
Quỹ ETF (Exchange –traded fund) là gì mà có ma thuật biến ảo nhanh đến như vậy. Đó chính là hình thức quỹ đầu tư tín thác có thể được giao dịch như một cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trên một số tài liệu nói về quỹ ETF đã cập nhật, từ cuối thập niên 80 khi quỹ ETF đầu tiên được hình thành tại Mỹ, một trong những quỹ vẫn đang nổi tiếng trên sàn giao dịch thế giới là quỹ ETF trên chỉ số S&P 500 (chỉ số của 500 cổ phiếu lớn nhất được giao dịch tại Mỹ), giao dịch trên thị trường chứng khoán New York, Mỹ (NYSE) dưới mã SPY.
Những quỹ dạng này đến nay đã phát triển với nhiều chủng loại khác nhau, bao gồm các quỹ ETF mô phỏng chỉ số những ngành công nghiệp (như quỹ ETF công nghệ cao QQQ theo sát chỉ số NASDAQ), các quỹ ETF trên chỉ số các công cụ nợ, các quỹ ETF trên diễn biến chỉ số chứng khoán ở hầu hết các thị trường (phát triển, mới nổi và cả các thị trường biên), các quỹ ETF IPO và chỉ số hàng hoá (các chỉ số trên các hàng hoá kim loại như quỹ ETF vàng).
Ngoài ra còn có thêm các quỹ ETF năng động, tìm cách đạt sinh lời nhiều hơn chỉ số mà nó mô phỏng, các quỹ ETF sử dụng đòn bẩy tài chính và quỹ ETF bán khống, sử dụng các công cụ nợ để đạt nhiều khoản lời hoặc lợi nhuận ngược, so với mức sinh lời của chỉ số mà quỹ đó mô phỏng.
Tại Việt Nam, từ năm 2008 quỹ đầu tư ETF đã sớm xuất hiện. Theo báo cáo của LCF Rothschilds ngày 16/4/2012 (một công ty chứng khoán nổi tiếng tại London, chuyên về các quỹ đóng ở thị trường mới nổi), hiện ở Việt Nam đang có 32 quỹ đầu tư có quy mô lớn và gần như mang tất cả các đặc tính đại diện cho tất cả các quỹ đầu tư khác. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư này cùng thời điểm thống kê là 4,1 tỷ USD.
2 quỹ có quy mô lớn nhất là Vinacapital Vietnam Opportunity Ltd do vinacapital và Vietnam Enterprise Investment Ltd của công ty quản lý quỹ Dragon Capital, nắm giữ hàng trăm triệu USD.
Ngoài ra, còn có thêm hai quỹ ETFs khá nổi tiếng khác là Market Vectors Vietnam ETF, 340 triệu USD ( do Vaneck quản lý) và FTSE Vietnam Index ETF, 321 triệu USD ( do Deutsche Bank quản lý ).
Quỹ đầu tư nội địa cũng có khoảng 5 quỹ đang niêm yết, (chưa kể đến các quỹ lớn khác nhưng không thuộc thành phần quỹ đại chúng) gồm: Manulife Proressive Fund (MAFPF1, Prudential balaned Fund (PRUBF1), VF1 Vietnam Securities Inv’t Fd (VFMVF1, VF4 Vietnam Blue- Chips Fund (VFMVF4), VFA Vietnam Active Investment Fund (VFMVFA).
Nhiều đại gia nhanh chóng nắm giữ lượng cổ phần áp đảo nhờ bàn tay của các ETF.
Hoạt động chuyển nhượng của các quỹ đầu tư đang ngày càng phổ biến hơn. Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Nghiên cứu- Phân tích, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, các quỹ ETF không trực tiếp mua/bán chứng khoán theo quan điểm của họ mà tùy vào nhu cầu của nhà đầu tư. Dòng vốn của ETF mua bán diễn ra đồng thời trên tất cả các thị trường.
Trên thế giới,có những ETF điều hành dòng vốn gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường. Thị trường vẫn nhìn động thái mua bán của các ETF như một sự biến động lớn trên thị trường, thậm chí, nhiều người còn coi các ETF giống như ‘bàn tay” thao túng thị trường, nhất là kim loại quý.
Hưởng lợi nhờ "bàn tay" của các ETF
Gần đây, trên thị trường Việt Nam, hoạt động mua bán, chuyển nhượng ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp. Đã có chuyên gia nói rằng, thời điểm này là cuộc chơi của những đại gia lắm tiền.
Câu chuyện chuyển nhượng quyền sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu mã chứng khoán SJS ( Công ty CP đầu tư phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà -SUDICO) cho đại gia Đỗ Văn Bình từ 3 tổ chức thuộc quỹ Dragon Capital (Wareham Group Limited, Vietnam Enterprise Investments Ltd và Vietnam Property Fund Limited ) là một ví dụ mới nhất.
Cuộc “nội chiến” tại Sudico kéo dài trong nhiều năm, với hàng loạt thay đổi nhân sự cấp cao. Không ai nghĩ rằng, có một ngày Hội đồng quản trị của Sudico (thuộc tập đoàn Sông Đà) lại có một “kẻ ngoại lai” không phải người từ Tập đoàn cử xuống quản lý.
Thời điểm diễn ra đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 16/4/2012, nhiều cổ động đã không khỏi bất ngờ khi nhân vật quyền lực mới xuất hiện là ông Nguyễn Văn Bình, trong vai trò người nắm giữ hơn 20% cổ phần tại SJS và nghiễm nhiên đại gia này đã được bầu vào Hội đồng quản trị, nắm giữ chức phó chủ tịch HĐQT Sudico.
Sự “biến hình” của các quỹ đầu tư cũng khiến nhiều doanh nghiệp lão luyện trên thương trường cũng phải ngã ngửa vì bất ngờ.
Trở lại với thương vụ thâu tóm Ngân hàng TCMP Sài Gòn Thương tín – Sacombank (mã CK: STB). Khoảng 1 năm trở về trước, đã có những thông tin úp mở về việc Dragon Capital thương lượng chuyển nhượng cổ phần STB cho một nhóm nhà đầu tư. Tuy vậy, thời điểm đó, chính lãnh đạo của Dragon Capital không xác nhận thông tin này.
Nhưng sau đó chưa đầy 1 tháng sau thông tin trên, Dragon Capital đã chính thức công bố thoái vốn khỏi Sacombank, cũng cùng một ngày, khi tin Dragon Capital bán cổ phiếu Sacombank, là cùng lúc có vài đại gia mua cổ phiếu của Sacombank với con số tương ứng.
Hồi cuối năm 2011, Công ty Orchid Fund ( Singapore) đã thực hiện mua hơn 2 triệu cổ phiếu FPT, nâng lượng nắm giữ cổ phiếu của FPT lên 8,13%, con số này đã chính thức vượt qua ông Trương Gia Bình (7,24%), trở thành cổ đông lớn nhất của FPT. Cách đây vài ngày, Orchid Fund tiếp tục mua thêm 2,7 triệu cổ phiếu FPT cũng là nhờ những quỹ đầu tư lớn khác trong đó có Dragon Capital bán lại.
TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều giao dịch lớn khi các “trò chơi” thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) còn diễn ra mạnh mẽ, bởi, chưa lúc nào giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam lại rẻ đến như vậy, bên cạnh đó là nhu cầu rút vốn của nhiều quỹ nước ngoài gia tăng.
"Năm nay, thị trường được chứng kiến nhiều hơn về M&A, "trò chơi" mà "đám cưới" của nhà này là "đám ma" của nhà khác...", TS. Thành ví von
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Nghiên cứu- Phân tích Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội cho biết, đa số các quỹ nước ngoài sắp tới thời hạn đóng quỹ, tạo nên áp lực thoái vốn lớn từ 2012 tới 2014. Đây cũng chính là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư cá nhân có tiền và muốn “thâu tóm” nhanh.