M&A ngân hàng: 3 vấn đề nóng

Những vấn đề mới phát sinh trong thực hiện cho thấy, hoạt động M&A ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đảo lộn nhân sự

Thông tin bà Bùi Thị Mai, lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây bị luân chuyển công tác thu hút được sự chú ý của giới tài chính. Trước khi SHB và Habubank (HBB) sáp nhập, bà Mai đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc của HBB và sau này về làm Phó tổng giám đốc SHB. Việc một lãnh đạo của ngân hàng bị đưa xuống vị trí thấp hơn không hiếm, nhưng việc một lãnh đạo cấp cao bị giáng xuống làm nhân viên thu hồi công nợ là sự kiện chưa có tiền lệ về nhân sự ngành ngân hàng.

Những nhân vật chính liên quan đến sự kiện trên đều ít nhiều chia sẻ với báo giới, nhưng lý do thực sự của việc điều chuyển này lại không được đề cập rõ. Dư luận đặt ra khá nhiều giả thuyết, đặc biệt hướng vào các khoản nợ của HBB trước đây. Dù với lý do nào thì giới ngân hàng đánh giá, sự điều chuyển công tác này, có tác động không tích cực đến tâm lý nhân viên HBB nói riêng, nhân sự ngành ngân hàng nói chung trong thời kỳ hậu “kết hôn” SHB - HBB. Chuyện trời không yên, biển không lặng cũng xảy ra tương tự ở Ngân hàng Sacombank (STB) sau khi có sự thay đổi chủ sở hữu.

M&A ngân hàng: 3 vấn đề nóng - 1

Những vấn đề mới phát sinh trong thực hiện cho thấy, hoạt động M&A ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhân lực luôn là một vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành bại tại các thương vụ M&A. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu mới đây của Ernst & Young, có tới 80% các thương vụ M&A không đạt được kết quả như kỳ vọng; trong đó, 75% số thương vụ lâm vào ngõ cụt do các vấn đề phát sinh liên quan đến nguồn nhân lực. Báo cáo này cũng nêu rõ, rủi ro về nguồn nhân lực luôn là yếu tố bị xem nhẹ, nhưng lại rất nhạy cảm trong các thương vụ M&A.

Lộ diện tài sản xấu

Ngay sau khi thủ tục sáp nhập SHB - HBB hoàn tất, niềm hứng khởi của cổ đông SHB đã bị “dội nước lạnh” khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh lỗ tới 1.100 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của các đơn vị trực thuộc SHB trước đây lãi 610 tỷ đồng, còn HBB lỗ tới hơn 1.710 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của con số thua lỗ tại SHB là phải trích lập dự phòng cho các khoản vay nợ trước đây của HBB.

Tại Sacombank, 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng công bố lợi nhuận 1.585 tỷ đồng, chỉ tương đương 58% so với cùng kỳ và mới đạt gần 47% kế hoạch năm. Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank cho biết, năm 2012, Sacombank khó đạt lợi nhuận kế hoạch 3.400 tỷ đồng, do phải giải quyết một số vấn đề tài chính của Sacombank trước khi Eximbank và nhóm cổ đông lớn tham gia. Không có thông tin nào chính thức được đưa ra, nhưng theo nguồn tin riêng của ĐTCK, một trong các lý do là nhằm làm rõ chất lượng tài sản của Sacombank ở giai đoạn trước và sau khi diễn ra sự chuyển giao quyền lực đình đám tại ngân hàng này.

Bên cạnh các thương vụ M&A ngân hàng mang tính thân thiện, thực tiễn thời gian qua xuất hiện những thương vụ thâu tóm mang màu sắc thù nghịch. Để hóa giải đối phương, bên bị săn đuổi có thể để lại các tài sản xấu, vay nợ nhiều không cần thiết, chuyển nhượng tài sản đơn phương có lợi cho một bên… khiến lợi nhuận của bên doanh nghiệp hợp nhất suy giảm mạnh trong ngắn hạn.


Ẩn số giá trị cộng hưởng

Số lượng các vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian gần đây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, như vụ hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn; vụ HBB sáp nhập vào SHB, vụ thâu tóm tại Ngân hàng Sacombank… Hai thương vụ ban đầu thuần túy mang màu sắc tái cơ cấu lại tình hình tài chính của các ngân hàng. Ở thương vụ thứ ba, gần đây nhóm cổ đông lớn đã bóng gió đề cập đến kịch bản sáp nhập Sacombank - Eximbank. Đã có phát biểu phác thảo về chân dung ngân hàng mới với một số chỉ tiêu như quy mô tổng tài sản, hệ thống mạng lưới và chi nhánh được tạo ra, số lượng khách hàng.

Về lý thuyết, một ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ như Sacombank kết hợp với một ngân hàng có thế mạnh về bán buôn như Eximbank hứa hẹn sẽ tạo ra các giá trị cộng hưởng. Tuy nhiên, thực tế triển khai sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, nhân sự cao cấp khối ngân hàng hiện nay không có nhiều sự lựa chọn, thị trường lao động cấp cao nội địa với CEO “đánh thuê” chuyên nghiệp vẫn chỉ manh nha phát triển. Rất khó tìm cá nhân có tầm ảnh hưởng và quyết đoán để triển khai công việc vượt qua các thách thức ở giai đoạn hậu M&A. Thứ hai, hoạt động M&A không đơn giản như phép tính số học “1+1=2”. Không khó nhận ra ở các địa bàn quan trọng, mạng lưới chi nhánh của Sacombank và Eximbank san sát nhau. Ở mức độ đơn lẻ, hoạt động mang tính cạnh tranh, mỗi đơn vị có thể đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, nếu hợp nhất thì giá trị cộng hưởng vẫn là một ẩn số. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Bình (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN