Mua bán ngân hàng: Các đại gia chùn tay

Trái với nhận định đầu năm, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong những tháng cuối năm diễn ra kém sôi động.

Đến thời điểm này, HDBank vẫn chưa công bố thông tin mới về kế hoạch tìm kiếm đối tác phù hợp để mua đứt hoặc sáp nhập được đưa ra từ đầu năm, khi các ngân hàng thương mại được phân loại theo nhóm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng HDBank sẽ tạm dừng kế hoạch này, mà tập trung củng cố nội lực để đẩy mạnh phát triển.

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông HDBank diễn ra vào quý I/2012, Chủ tịch HĐQT HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm cho biết, ngân hàng sẽ sớm thông tin đến cổ đông khi tìm được đối tác phù hợp để sáp nhập hoặc mua lại.

Không chỉ HDBank, ngay từ đầu năm, không ít ngân hàng thuộc nhóm 2 (được tăng trưởng tín dụng 15%) cho biết, họ đang lên kế hoạch mua lại, hoặc sáp nhập với một nhà băng khác để bành trướng quy mô hoạt động, qua đó nâng tầm vị thế trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Trong đó, DongA Bank cho biết, ngân hàng này đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để hợp nhất. Thậm chí, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank tiết lộ, đã có một ngân hàng nhóm 1 và ngân hàng nhóm 2 ngỏ lời muốn được hợp nhất với DongA Bank để cùng phát triển. Quan điểm của DongA Bank trong M&A là đẩy mạnh, chứ không để mất đi thương hiệu của mình, nên DongA Bank sẵn sàng hợp nhất, nếu tìm được đối tác phù hợp.

Lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng OCB cũng từng chia sẻ, OCB cũng có ý định tìm kiếm ngân hàng thuộc nhóm 2 hoặc nhóm 3 để tiến hành hợp nhất, cùng nhau phát triển. Các ngân hàng cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và tình hình thị trường tài chính - ngân hàng giai đoạn vừa qua đã mở ra những cơ hội tăng tốc cho các ngân hàng có nội lực vững chắc, thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các ngân hàng khác.

Trong các phát biểu mới đây, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm đưa ra danh sách các ngân hàng yếu kém nằm trong danh sách quản lý đặc biệt để lành mạnh hóa thị trường tài chính - ngân hàng, vì thế, sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực này trong năm 2012.

Thế nhưng, đến thời điểm này, làn sóng M&A ngành ngân hàng lại có xu hướng lắng xuống.

Trên thực tế, không phải nhà băng nào cũng muốn tiến hành M&A. Thậm chí, đây chỉ được coi là hành động bắt buộc, khi ngân hàng đã ở đường cùng, bởi sau M&A, luôn có những mâu thuẫn nảy sinh, nhất là trong nội bộ ngân hàng, khi HĐQT có thêm thành viên mới. “Khác biệt về văn hóa và phong cách quản lý là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giao dịch M&A thất bại”, ông John Ditty, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia nhận xét.

Câu chuyện về việc hợp nhất 3 ngân hàng SCB, VietNam Tin Nghia Bank và Ficombank đã ngấp nghé gần 1 năm. Song dường như việc tái cấu trúc bộ máy cũng như việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu SCB trên thị trường tài chính - ngân hàng không hề dễ dàng.

Sau khi Eximbank đại diện cho nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank gây rúng động thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam trong nửa đầu năm 2012, thị trường mong chờ sẽ có một thương vụ sáp nhập giữa SouthernBank và Sacombank, bởi một trong những cổ đông lớn của Sacombank hiện nay chính là ông Trầm Bê, người sáng lập SouthernBank.

Tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 5/2012, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã thông qua chủ trương M&A các ngân hàng khác trong giai đoạn 2012-2015, với mong muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh, nâng quy mô hoạt động. Ông Phạm Hữu Phú, thành viên HĐQT Sacombank còn cho biết, không loại trừ Sacombank sẽ hợp nhất với SouthernBank hoặc Eximbank.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm diễn biến mới về hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ngoại trừ việc SHB mua lại Habubank và tên tuổi Habubank chính thức bị xóa sổ khỏi thị trường vào cuối tháng 8/2012. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN